"Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu thắc mắc về kết quả thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án cực kỳ khả quan mà TAND Tối cao tổng hợp. Đơn cử ở Hải Phòng, hơn 90% vụ tranh chấp chuyển sang trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hòa giải thành công… Trong khi đó, kết quả hòa giải ở cơ sở lại đạt tỉ lệ rất thấp" - bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, thông tin trong một hội thảo góp ý dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (gọi tắt là dự thảo).
Thí điểm có quá khả quan?
Từ thực tiễn 9 tháng thí điểm trên địa bàn TP HCM, bà Trần Thị Thương, Phó Chánh Văn phòng TAND TP HCM, cho biết 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa (trung tâm) nhận hơn 6.100 vụ việc. Kết quả, các trung tâm đã hòa giải, đối thoại thành công khoảng 80% trong số đó. Về giải quyết khiếu kiện hành chính, bà Thương cho hay đa phần vụ việc đều có sự thống nhất giữa người dân và chính quyền. Sau khi tiếp nhận thông tin từ tòa án cũng như hòa giải viên thì chính quyền nhận thấy việc ra quyết định hành chính không đúng luật. Từ đó, chính quyền chủ động hủy quyết định hành chính.
Luật sư Trần Thị Hồng Diệp nhìn nhận thẩm phán có thể hỗ trợ hòa giải viên về quy trình pháp lý
Phó chánh Văn phòng TAND TP giải thích: "Tức là phía bị kiện chủ động tiếp nhận phản ánh và kịp thời sửa sai; người dân không cần làm thủ tục khiếu kiện. Trung tâm không cần ra quyết định công nhận đối thoại thành công. Tất nhiên, kết quả hòa giải, đối thoại lĩnh vực khiếu kiện hành chính không khả quan bằng những lĩnh vực khác".
Luật sư Trần Thị Hồng Diệp, Hội Luật gia TP HCM, tỏ ra e ngại về kết quả đối thoại khiếu kiện hành chính. Bà Diệp dẫn chứng: "Kết quả đối thoại khiếu kiện hành chính đôi khi khả quan. Ví dụ, quận 1 (TP HCM) có 100% vụ tranh chấp hành chính đối thoại thành công. Nhưng đó là trên bao nhiêu vụ việc? Quận 1 đối thoại thành 1/1 vụ việc, đó cũng là 100%...".
Tranh cãi về hòa giải viên
Thực tiễn từ quá trình hoạt động hòa giải, đối thoại thí điểm tại TP phát sinh nhiều vấn đề mà dự thảo luật chưa đề cập. Đặc biệt, những "người trong cuộc" đưa ra nhiều quan điểm liên quan đến đội ngũ hòa giải viên trong dự thảo luật.
Về điều kiện bổ nhiệm, luật sư Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng dự thảo cần bổ sung tiêu chí hòa giải viên phải có trình độ cử nhân luật trở lên. Bởi vì những hòa giải viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm nhiệm (kinh tế, đất đai…) nhưng hạn chế kiến thức pháp luật tham gia hòa giải, đối thoại sẽ tạo ra tình trạng quy trình giải quyết vi phạm điều cấm của luật. Bên cạnh đó, luật sư đề nghị dự thảo lược bỏ nội dung: người có hiểu biết về phong tục, tập quán, có hiểu biết trong cộng đồng nếu có điều kiện tiếp theo sẽ công nhận hòa giải viên. "Điều kiện này rất chung, khó định lượng cụ thể. Hiện tôi không thấy văn bản thống kê danh sách phong tục, tập quán ở nước ra. Kế tiếp, phong tục, tập quán nào có giá trị pháp lý? Như thế nào là uy tín, cộng đồng? Trong khi đó, dự thảo cũng nêu hòa giải viên có quyền mời người có uy tín tham gia chứng kiến, góp lời" - luật sư Bảo Trâm nêu băn khoăn.
Trái lại, bà Văn Thị Bạch Tuyết khẳng định ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, những cá nhân nằm trong nhóm kể trên hoạt động có hiệu quả hơn cán bộ tòa án. Đơn cử, già làng, trưởng bản dễ dàng giải quyết tranh chấp ở thôn xóm, buôn làng. Ngoài ra, dự thảo có quy định rõ hòa giải viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại tòa.
Tương tự, luật sư Trần Thị Hồng Diệp thống nhất điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên trong dự thảo. Luật sư cho rằng dự thảo "đề phòng" cho vùng sâu, vùng xa khi đề cập nội dung trên. Hơn nữa, ngoài hòa giải viên, tòa án phân công đồng thời thẩm phán xử lý tranh chấp. Nếu hòa giải viên giải quyết vụ việc đó thành thì thẩm phán chứng kiến phiên họp tuyên bố hòa giải thành, xem xét toàn bộ hồ sơ hòa giải, đối thoại và xác nhận từ các đương sự về kết quả giải quyết. Như vậy, thẩm phán hoàn toàn có thể hỗ trợ người không có trình độ cử nhân luật nhưng có uy tín đứng ra giải quyết tranh chấp.
Trùng lắp!
Ông Phan Ngọc Danh, đại diện VKSND TP HCM, chỉ thêm nội dung chồng chéo trong dự thảo. Cụ thể, dự thảo quy định quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, dự thảo lại nói thêm đến thủ tục xem xét lại vụ việc trong 15 ngày (kiến nghị, đề nghị, khiếu nại). Sau 15 ngày, cơ quan chức năng mới công nhận kết quả, nếu không bên nào có ý kiến khác. Đại diện VKSND TP góp ý dự thảo cần xem xét lại những điều khoản trùng lắp như trên.
Bình luận (0)