Công an quận Gò Vấp vừa chuyển hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đến Cơ quan CSĐT Công an TP HCM để thụ lý theo thẩm quyền đối với Dương Gia Huy (SN 1993; ngụ quận Bình Thạnh,
TP HCM). Dương Gia Huy là đối tượng đã thực hiện 12 vụ lừa đảo tại các siêu thị, trung tâm điện máy trên địa bàn nhiều quận, huyện mà bị hại là Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam (Home Credit).
Dễ dàng qua mặt
Home Credit hợp tác với các cửa hàng điện thoại Thế Giới Di Động và Viễn Thông A cung cấp dịch vụ cho vay trả góp cho khách mua các sản phẩm điện tử, điện thoại. Ngày 15-6-2015, Huy đến cửa hàng Thế Giới Di Động trên đường Trần Quang Khải (quận 1) mua một điện thoại trị giá 5,9 triệu đồng.
Sau khi được nhân viên tư vấn, Huy đưa trước 1,2 triệu đồng và số tiền còn lại sẽ thanh toán bằng hình thức trả góp. Công ty Home Credit đồng ý cho Huy vay thanh toán tiền mua điện thoại. Từ đây, Huy nắm được quy trình ký hợp đồng và nảy sinh ý định sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) và giấy phép lái xe (GPLX) của người khác nhằm giả mạo để lừa đảo. Sau đó, Huy ra khu vực Bến xe Miền Đông mua lại CMND và GPLX của những người bị mất.
Để qua mặt công ty tài chính và cửa hàng điện thoại, Huy sử dụng giấy tờ, bằng lái của người khác rồi dán hình mình vào và thực hiện các hợp đồng mua điện thoại bằng hình thức trả góp. Ngày 12-7-2015, Huy sử dụng CMND và GPLX của anh P.M.T (SN 1993, quê Gia Lai) để ký hợp đồng tín dụng trả góp mua 1 điện thoại trị giá 6,5 triệu đồng tại cửa hàng Thế Giới Di Động trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP HCM). Tính đến cuối tháng 12-2015, Huy đã thực hiện liên tiếp 11 vụ lừa đảo tại một số cửa hàng điện thoại ở các quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp. Sau khi phát hiện thủ đoạn lừa đảo này, Home Credit đã phối hợp với các cửa hàng điện thoại làm đơn tố cáo đến công an.
Đáng chú ý, mặc dù khi thực hiện hợp đồng cho vay, Home Credit đã kiểm tra kỹ về nhân thân, mối quan hệ của người mua nhưng vẫn bị các đối tượng lừa đảo qua mặt. Cụ thể, Hà Trần Phương Quốc (SN 1993, quê Long An) và Trần Trọng Nhân (SN 1987, quê Trà Vinh) đã thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo Home Credit. Theo đó, Nhân và Quốc mua GPLX và CMND từ một người chạy xe ôm rồi dán hình mình vào.
Sau khi xem xét hồ sơ, nhân viên Home Credit yêu cầu Nhân và Quốc cung cấp số điện thoại của người quen để thẩm định. Cả hai học thuộc các thông tin cá nhân và giả làm người nhà để trả lời khi nhân viên Home Credit gọi đến xác minh. Riêng các phi vụ Nhân thực hiện một mình thì nhờ người khác trả lời.
Sau khi mua được điện thoại di động, Quốc đưa cho Nhân bán lấy tiền chia nhau tiêu xài, không trả vốn và lãi cho công ty tài chính. Ngoài 5 vụ cùng thực hiện với Quốc chiếm đoạt 46 triệu đồng, Nhân còn thực hiện 15 vụ khác với thủ đoạn tương tự, chiếm đoạt hơn 134 triệu đồng.
Thủ đoạn tinh vi
Phòng An ninh của Home Credit cho biết vài năm trước, cho vay tiêu dùng còn khá mới mẻ, các thủ đoạn lừa đảo tương đối đơn giản và số lượng không đáng kể. Tuy nhiên hiện nay, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và số lượng nhiều hơn. “Do rút tỉa được kinh nghiệm từ công ty mẹ, ngay những ngày đầu tiên khi vừa mới thành lập, bộ phận an ninh cũng đã sớm được hình thành. Do đó, với kinh nghiệm tích lũy được, chúng tôi có khả năng phát hiện, can thiệp kịp thời và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật” - Phòng An ninh của Home Credit khẳng định.
Theo một số vụ lừa đảo được Home Credit ghi nhận, các đối tượng thường mua CMND, bằng lái, sổ hộ khẩu ở tiệm cầm đồ và lợi dụng sơ hở của người thân để lấy giấy tờ làm hồ sơ vay. Home Credit khuyến cáo người dân giữ gìn cẩn thận các giấy tờ cá nhân, không tạo kẽ hở cho đối tượng lừa đảo lợi dụng. Không cung cấp thông tin cá nhân, bạn bè, người thân cho các đối tượng mới quen. Không nên tin tưởng vào các thông tin quảng cáo, cho vay trên mạng…
Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết hiện nay, các dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng nở rộ tại các cửa hàng điện thoại, trung tâm điện máy. Bên cạnh mặt tích cực như giải quyết nhu cầu của khách hàng, dịch vụ này còn bộc lộ nhiều nhược điểm mà các đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng sơ hở để thực hiện hành vi trái pháp luật.
“Việc đơn giản hóa hồ sơ vay và dễ dãi trong khâu thẩm định chính là điểm yếu lớn nhất đối với dịch vụ cho vay tín chấp tiêu dùng. Thông thường, nhân viên chỉ nhìn qua loa các giấy tờ cá nhân, không có thiết bị soi chiếu nên không thể phát hiện giấy tờ giả mạo. Bên cạnh đó, nắm bắt được các thông tin mà nhân viên công ty sẽ xác minh nên nhiều băng nhóm lừa đảo có thể phân chia nhiệm vụ cho nhau để thực hiện hành vi” - luật sư Mạch phân tích.
Theo luật sư Võ Đan Mạch, để giảm thiểu rủi ro, bên bán hàng và bên cho vay phải thực hiện nghiêm ngặt thủ tục thẩm định; đồng thời đào tạo nhân viên các kỹ năng, trang bị máy móc để phát hiện hành vi lừa đảo. “Nếu sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản, đối tượng sẽ bị xử lý cả 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” với mức án nghiêm khắc” - luật sư Mạch nói.
Chỉ 30 phút là mua được hàng
Trưa 21-12, chúng tôi đến một cửa hàng di động trên đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM) hỏi mua một máy tính bảng và được nhân viên tư vấn rất nhiệt tình. Theo đó, muốn mua một máy tính bảng 7,5 triệu đồng thì phải trả 20% giá trị sản phẩm, tương đương 1,5 triệu đồng. Điều kiện để được công ty tài chính cho vay là phải có GPLX và CMND. Tôi hỏi nếu hồ sơ được thẩm định thì bao lâu có thể mua sản phẩm, nhân viên trả lời: “Chỉ cần 30 phút”.
Bình luận (0)