Ngày 21-5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục ngày làm việc thứ 5, xét xử 3 bị cáo trong vụ việc 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình).
Phiên xét xử sáng cùng ngày bắt đầu với phần xét hỏi về trách nhiệm bồi thường dân sự. Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành hỏi đại diện các bệnh nhân tử vong về phần dân sự trong vụ án, tất cả đều yêu cầu bị đơn dân sự là BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trả lời HĐXX, người đại diện của bệnh nhân Bùi Văn Phơi (SN 1956, ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường chi phí tổn thất tinh thần, chi phí đưa nạn nhân về quê sau khi tử vong do tai biến y khoa và chi phí xây mộ vĩnh viễn. Số tiền bồi thường khoảng 300 triệu đồng.
Gia đình 8 bệnh nhân tử vong yêu cầu BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường thiệt hại
Gia đình 8 bệnh nhân tử vong trong tai biến y khoa đã thống nhất và mong muốn cho 8 bệnh nhân sẽ được xây mộ vĩnh viễn cạnh nhau. Theo lý giải của gia đình các bệnh nhân trước HĐXX, người thân của họ điều trị bệnh thận trong thời gian dài ở BVĐK tỉnh Hòa Bình, gắn bó với nhau từ quá trình chữa bệnh, nên lúc nằm xuống rất mong được gần nhau.
Do vậy, gia đình 8 bệnh nhân đã chủ động liên hệ với một nghĩa trang ở tỉnh Hòa Bình và được báo giá chi phí cho mỗi phần mộ là 148.750.000 đồng.
Trước HĐXX, vợ bệnh nhân Bùi Văn Huyển (ở huyện Cao Phong, Hòa Bình) cho biết, khi bệnh nhân này mất do tai biến y khoa, bệnh viện đã thuê xe cho gia đình chở ông về mai táng và yêu cầu viết cam kết nếu có vấn đề gì không liên quan đến bệnh viện.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình các nạn nhân, đề nghị BVĐK tỉnh Hòa Bình phải có trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại cho các thân nhân gia đình bị hại. Trong đó bao gồm chi phí mai táng; chi phí mua đất chôn cất; chi phí tổn thất về tinh thần và các chi phí khác.
Trình bày nguyện vọng trước tòa, đại diện gia đình các bệnh nhân mong muốn HĐXX công tâm, xử đúng người đúng tội. Họ cũng bày tỏ mong muốn HĐXX xem xét tuyên vô tội với bác sĩ Hoàng Công Lương, bởi bác sĩ Lương đã rất cố gắng để cứu chữa cho các bệnh nhân thời điểm xảy ra sự cố. Hơn nữa, bác sĩ Lương chỉ là người điều trị, không liên quan vật tư.
Đối với 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh và Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình, gia đình các nạn nhân cũng mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, BVĐK tỉnh Hòa Bình điều trị chạy lọc máu thận nhân tạo từ năm 2009. Sáng 29-5-2017, khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây thì đột ngột có dấu hiệu bất thường. 8 bệnh nhân chạy thận sau đó lần lượt tử vong.
Cáo trạng cáo buộc với trình độ, trách nhiệm được giao, Hoàng Công Lương buộc phải biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng theo quy định, song sáng 29-5-2017 không kiểm tra lại hệ thống nước RO mà đã ra lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường.
Bùi Mạnh Quốc (nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) trực tiếp sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của Đơn nguyên thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Quốc đã sử dụng hỗn hợp 2 loại hoá chất không có trong danh mục được dùng trong y tế để sục rửa các vỏ màng lọc làm tồn dư lượng hóa chất lớn trong hệ thống nước. Khi chưa tiến hành lấy mẫu nước để kiểm định theo tiêu chuẩn, sáng 29-5-2017, Quốc đã đưa hệ thống lọc nước RO vào sử dụng.
Nguyễn Văn Sơn (cán bộ Phòng Vật tư BVĐK tỉnh Hòa Bình) đã không trực tiếp có mặt để giám sát khi được giao kiểm tra việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Chiều 28-5-2017, chỉ nghe qua điện thoại và biết Quốc chưa làm xét nghiệm nước nhưng Sơn lại giao cho điều dưỡng viên của Đơn nguyên thận nhân tạo.
Trong cáo trạng, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.
Bình luận (0)