Ngày 28-7, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Thông tư 01/2017/TT-TANDTC. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, luật sư chính thức được ngồi ngang hàng với viện kiểm sát trong các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Bỏ tư duy "tầng trên, tầng dưới"
Cách đây hơn 15 năm, ngày 2-1-2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về "Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", trong đó có nhiều nội dung hết sức tiến bộ. Cụ thể, tại mục B phần II Nghị quyết 08 nêu: "Khi xét xử, các tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa". Từ đây, vấn đề về địa vị pháp lý của luật sư, trong đó có chỗ ngồi trong các phiên tòa, được đặt ra và bàn cãi rất nhiều.
Tiếp đến, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 quy định: "Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp".
Tại các phiên tòa hiện nay, chỗ ngồi của viện kiểm sát phía trên luật sưẢnh: Quốc Chiến
Mặc dù chỗ ngồi không phải là yếu tố quyết định đến kết quả, chất lượng tranh tụng nhưng cũng phần nào nói lên địa vị pháp lý của luật sư, tạo sự bình đẳng, ít nhất từ hình thức của một phiên tòa. Với sự bình đẳng về chỗ ngồi sẽ xóa bỏ được tư duy "tầng trên, tầng dưới" giữa viện kiểm sát với luật sư.
Do vậy, việc thiết kế chỗ ngồi ngang bằng giữa viện kiểm sát và luật sư không chỉ thể hiện bình đẳng về hình thức mà còn bảo đảm vị thế bình đẳng của hai bên buộc tội và gỡ tội, nhằm đáp ứng một phiên tòa tranh tụng thực sự theo tinh thần cải cách tư pháp. Từ vị thế bình đẳng, luật sư sẽ tự tin hơn trong tranh tụng, qua đó chuyển tải thông điệp quan trọng là "bản án của tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa", góp phần giảm thiểu những vụ án oan sai.
Không còn vành móng ngựa
Ngoài việc quy định về chỗ ngồi của luật sư trong phòng xử án, Thông tư 01 còn có một nội dung rất tiến bộ nữa là vành móng ngựa - chỗ để bị cáo đứng khai báo trước tòa trong các phiên xử hình sự - sẽ được thay thế bằng "bục khai báo của bị cáo". Việc bỏ vành móng ngựa chính là cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội là "Người bị buộc tội được coi không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật" được quy định tại điều 31 Hiến pháp 2013 và điều 13 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.
Với quy định mới này, từ ngày 1-1-2018, song song với "bục khai báo của bị cáo" sẽ là "bục khai báo của người tham gia tố tụng khác". Như vậy, ở các phiên tòa hình sự sắp tới sẽ không còn sự phân biệt đối xử giữa bị cáo với những người tham gia tố tụng khác.
Với việc xóa bỏ vành móng ngựa, tư duy về án tại hồ sơ, định kiến bị cáo bị truy tố ra tòa bắt buộc phải có tội cũng sẽ được xóa bỏ. Đối với các bị cáo, việc bỏ vành móng ngựa sẽ giúp họ cởi bỏ tâm lý mặc cảm có tội trước khi có bản án của tòa án.
Bình đẳng giữa 3 trụ cột
Quan điểm của Đảng, nhà nước về hệ thống tư pháp phải được xây dựng trên nền tảng bình đẳng giữa 3 trụ cột: Tòa án giữ vai trò cơ quan tài phán, là trung tâm của việc xét xử, độc lập, khách quan, công bằng; bên buộc tội (đại diện là viện kiểm sát); bên gỡ tội (đại diện là luật sư). Để bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013 và được cụ thể hóa bằng các nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật của Bộ Luật Tố tụng hình sự thì vai trò của bên buộc tội và bên gỡ tội phải bằng nhau.
"Thông tư 01 cũng quy định chỗ ngồi của nhiều thành phần tham gia, tham dự phiên tòa. Theo đó, chỗ ngồi của nhà báo, phóng viên ở vị trí cuối cùng trong phòng xử".
Bình luận (0)