Ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) thừa nhận hành vi mà cáo trạng VKSND Tối cao nêu là đúng. Ông Trầm Bê thừa nhận ông Phạm Công Danh là khách hàng lâu năm (từ 4- 5 năm) từ khi ông Bê còn làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam.
Ông Trầm Bê biết ông Phạm Công Danh làm ở Tập đoàn Thiên Thanh và "sau này có nghe nói làm ở Ngân hàng Đại Tín". Ông Trầm Bê thừa nhận nếu đã là lãnh đạo ngân hàng thì phải quen biết nhau hết.
Ông Trầm Bê không nhớ khi nào Phạm Công Danh đặt vấn đề vay vốn. Khi ông đang làm Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng Sacombank thì ông Danh sang bàn bạc, xin vay khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê nói chưa phục kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Hoàng Triều
Ông Trầm Bê đồng ý nhưng nói phải có tài sản đảm bảo bao gồm chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, sổ tiết kiệm, bất động sản.
"Bị cáo có suy nghĩ gì khi ông Danh là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, lãnh đạo ngân hàng mà phải đi vay tiền"?" - tòa hỏi.
"Tôi không cần suy nghĩ khi khách hàng có tài sản đảm bảo. Chủ tịch ngân hàng vẫn được phép đi vay ngân hàng khác; cũng chỉ là khách hàng bình thường, chỉ không được vay trong chính ngân hàng mình lãnh đạo" - ông Trầm Bê nói.
Ông Phạm Công Danh đáp ứng được điều kiện của Sacombank và ông Trầm Bê dẫn ông Danh đến gặp Tổng Giám đốc Sacombank là Phan Huy Khang xem xét, nếu hợp pháp thì cho vay.
Tòa truy, điều kiện cho vay là có tài sản đảm bảo, thu hồi vốn và lãi, phải có lợi nhuận. Vậy ông Phạm Công Danh có trình bày phương án kinh doanh có thực thi hay không, có khả năng trả nợ hay không, ông Trầm Bê biện minh rằng giao cho Tổng Giám đốc Sacombank về việc cho vay còn phương án kinh doanh của ông Danh thì tổng giám đốc chịu trách nhiệm thực hiện.
Nếu HĐQT của Ngân hàng Đại Tín phải bảo lãnh thì Sacombank mới cho ông Danh vay tiền. Ông Phan Huy Khang báo lại đồng ý cho ông Danh cho vay 1.800 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê khai rằng cho khách hàng là Ngân hàng Đại Tín vay còn việc thỏa thuận thì thỏa thuận với Phạm Công Danh. Cũng theo ông Trầm Bê, sau khi giao cho Phan Huy Khang thì ông không theo dõi nữa, đến khi tất toán 1.800 tỉ đồng ông cũng không biết.
Ông Bê chỉ nhìn vào tiền bảo lãnh; sau đó Sacombank trừ vào tiền bảo lãnh đó.
Ông Trầm Bê nói chưa phục kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước. Ông đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ với điều kiện là có tài sản đảm bảo, thu hồi vốn và lãi. Còn lại thì nhận thức về pháp luật về tín dụng thì mỗi người có một nhận thức khác nhau.
"Đứng trước phiên tòa bị cáo thấy trách nhiệm của mình nhưng mong rằng bị cáo đã bị tội thì Luật Tổ chức tín dụng phải nêu rõ, đừng để những người khác rơi vào tình trạng như bị cáo. Bởi vì luật không cấm, bị cáo cũng không tư lợi, không dám đi làm những điều sai trái này. Cố ý làm trái thì bị cáo thấy bị nặng quá, nếu cố ý làm trái thì phải tư lợi. Ở đây bị cáo không tư lợi điều gì hết mà chỉ nghĩ đó là làm ăn" - ông Trầm Bê lý luận.
Bị cáo Trầm Bê khẳng định không thay đổi lời khai và xác định: "Muốn làm ăn thì phải làm việc với nhau nhưng đừng nói rằng bị cáo bàn bạc với ông Danh. Làm ăn cả ngàn tỉ mà nói không quen biết thì sao được, tiền này đâu phải là tiền của bị cáo".
Ngoài ra, ông Trầm Bê đề nghị tòa xem lại căn nhà ông đang ở tại đường An Dương Vương (quận Bình Tân, TP HCM) là nhà của người chị vợ, vì lục lại giấy tờ thì không phải của ông, riêng ngôi nhà ở đường Hùng Vương (quận 5, TP HCM) thì là nhà của ông.
"Cái nhà của bà chị vợ không có nhiêu tiền hết, có mười mấy tỉ à, mong tòa xem xét giùm bà chị", ông Trầm Bê trình bày.
Bình luận (0)