Trời mưa tầm tã, ở dãy phòng xét xử hình sự của TAND TP HCM, nhiều người vẫn kiên nhẫn đứng đợi đến giờ được vào phòng.
Từng là học sinh, sinh viên giỏi
Một hồi chuông dài báo hiệu phiên xét xử bắt đầu. Bị cáo là H.G.Q (SN 1998, tạm trú quận 5, TP HCM) phạm tội "Cướp giật tài sản".
Lý lịch trích ngang và phần tội trạng của bị cáo thể hiện rõ trong phần thủ tục phiên tòa. Theo đó, Q. sinh ra và lớn lên ở một xã nghèo thuộc huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Gia đình thuộc diện cận nghèo, bố Q. làm phụ hồ tại tỉnh Đồng Nai, mẹ là công nhân một xí nghiệp ở TP HCM. Ý thức được hoàn cảnh của gia đình, Q. luôn cố gắng học và năm nào cũng đạt học sinh giỏi với nhiều thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi toán và tiếng Anh các cấp. Q. trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ và cả địa phương. Niềm tự hào càng được nhân lên khi năm 2016, Q. thi đậu vào một trường ĐH lớn tại TP HCM.
Không phụ sự kỳ vọng của gia đình, 2 năm đầu ngồi trên ghế giảng đường ĐH, Q. luôn phấn đấu đạt thành tích tốt. Ngoài việc học, Q. còn tranh thủ làm thêm tại một công ty về công nghệ, điện tử để tự trang trải chi phí học hành, sinh hoạt. Cuộc sống tưởng chừng ổn định thì bất ngờ bi kịch ập xuống. Q. bị bắt về tội "Cướp giật tài sản" khi đang là sinh viên ĐH năm 3.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 6 giờ 45 phút ngày 25-2, Q. chạy xe đến cửa hàng điện thoại di động nằm trên đường Bình Thới (quận 11). Do chưa đến giờ mở cửa nên nhân viên bảo vệ đã yêu cầu Q. ra ngoài. Tuy nhiên, Q. vẫn tiếp tục đi đến tủ trưng bày điện thoại rồi bất ngờ giật một chiếc điện thoại và bỏ chạy. Thấy vậy, nhân viên bảo vệ đuổi theo và tri hô. Sau thời gian bị tạm giam hơn 7 tháng, TAND quận 11 tuyên phạt Q. 2 năm tù giam về tội "Cướp giật tài sản".
Bị cáo là H.G.Q (đứng) tại phiên tòa
Niềm vui ngày kháng cáo
Ngay sau bản án sơ thẩm, Q. làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Tại phiên phúc thẩm, Q. cho rằng nguyên nhân phạm tội là do bị cáo túng quẫn đến mức trầm cảm, không điều khiển được hành vi của bản thân. Suốt phiên tòa, cứ sau 2-3 câu trả lời thẩm vấn của HĐXX, Q. đều tha thiết van xin: "Mong tòa cho bị cáo được sớm về nhà để đi học trở lại".
"Trước khi xảy ra vụ việc, bị cáo bị tai nạn giao thông liên lụy đến một bạn đi cùng xe. Sợ bố mẹ lo lắng nên bị cáo không nói với gia đình mà tự đi vay tiền bên ngoài để lo viện phí cho bạn. Cuối cùng, bị cáo không trả nổi, bị chủ nợ thúc giục, hăm dọa. Cùng thời điểm này, bị cáo có mượn một chiếc smartphone của người chị họ để phục vụ cho yêu cầu công việc tại công ty. Đến lúc phải trả lại, bị cáo vẫn chưa đủ tiền mua điện thoại. Không có điện thoại thì có thể bị cho nghỉ việc… Nhiều sự việc đến cùng một lúc mà không dám chia sẻ với ai, bị cáo đã quẫn trí… " - Q. nghẹn ngào trình bày.
Bạn cùng phòng với Q. ở ký túc xá cho biết Q. rất chăm học, sống hòa đồng, có trách nhiệm nhưng thời gian trước khi xảy ra vụ án, Q. bỗng dưng trở thành một con người khác. Vào năm 3 ĐH, thành tích học tập của Q. giảm sút rồi dần tự tách biệt với bạn bè, không giao tiếp với ai, đêm không chịu ngủ và tệ hơn là rất nhiều lần Q. còn quên đường về ký túc xá, hành xử khó hiểu, không kiểm soát được bản thân.
Được biết, sau khi biết câu chuyện của Q., phía bị hại bày tỏ sự thương cảm, xác nhận Q. chưa chiếm đoạt được tài sản, không gây thiệt hại cho cửa hàng.
Kết thúc phần tranh luận, đại diện VKSND TP HCM đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo, cho Q. được hưởng án treo. Nghe quan điểm của vị công tố, bạn bè và người thân của Q. như vỡ òa. Những giọt nước mắt của hạnh phúc, của hy vọng đã lăn dài trên gò má họ và cả những người dự khán các vụ án cũng được xử phúc thẩm ngày hôm ấy.
Giờ nghị án, bạn bè của bị cáo và những người dự khán quay quanh mẹ của Q. an ủi. "Chắc tòa sẽ xử án treo, thằng Q. được làm lại cuộc đời rồi. Nó mà được về nhà, bà phải gom tiền đi chữa bệnh cho nó, đừng để xảy ra thêm những chuyện không hay" - một người vỗ vai mẹ Q. nói. Người mẹ gầy còm, nhỏ thó, gật đầu liên tục: "Bán hết gia tài tôi cũng phải chữa bệnh cho con".
Bình luận (0)