Năm 2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng ở huyện Sóc Sơn, nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm, chủ yếu là vi phạm đất rừng. Những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã quay lại tìm hiểu về việc thực hiện những kết luận thanh tra trên.
Số liệu thống kê thấp hơn thực tế
Theo các kết luận thanh tra năm 2019, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp trước đó. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai cũng như vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ năm 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, tới 2019 vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.
Kết quả thanh tra cũng thể hiện việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác khi thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
"Sau khi thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, không kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất khiến tình hình phức tạp hơn, đặc biệt là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan, lâm trường Sóc Sơn" - Thanh tra TP Hà Nội nêu.
Từ đánh giá trên, Thanh tra thành phố kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan. Cùng với đó, đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu.
Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, bảo đảm đất đai sử dụng đúng mục đích.
Khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) trong khi còn những trường hợp vi phạm chưa được xử lý lại phát sinh nhiều trường hợp vi phạm khác
Dồn dập vi phạm
Theo ghi nhận, dù các cơ quan chức năng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng trên đất rừng nữa nhưng so với năm 2019, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (chủ yếu ở những khu vực đất rừng, đặc biệt là ven các hồ) mọc thêm rất nhiều công trình, hạng mục mới. Như vậy, đất rừng ở đây tiếp tục bị "xẻ thịt".
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho phóng viên biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp, phát hiện 187 trường hợp vi phạm phải lập hồ sơ xử lý, trong đó chủ yếu là ở xã Minh Phú và Minh Trí (2 điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng - PV). Huyện đã xử lý dứt điểm 124/187 trường hợp. Ngoài ra, xử lý được 149 trường hợp vi phạm tồn đọng từ năm 2022 trở về trước và vi phạm theo các quyết định, kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật.
"Thời gian qua, huyện đã tập trung xử lý các trường hợp vi phạm từ năm 2021 đến nay. Đã xử lý, cưỡng chế hơn 500 trường hợp (năm 2022 hơn 300 trường hợp vi phạm, năm 2021 hơn 200 trường hợp - PV), trong đó có nhiều công trình kiên cố có giá trị hàng tỉ đồng" - ông Ngọc khẳng định.
Về các biện pháp để ngăn chặn tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng, theo ông Ngọc, huyện đã ban hành nghị quyết riêng và kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. "Chúng tôi làm từng bước để xử lý triệt để vi phạm cũ nhưng xử lý phải phù hợp nhằm nâng cao ý thức người dân trong vấn đề này" - ông Ngọc nói và cho biết huyện đang rà soát toàn bộ quy hoạch và các vi phạm phát sinh.
Không để "mất bò mới lo làm chuồng"
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ tỏ ra bất ngờ việc dù có nhiều kết luận thanh tra, nhiều cán bộ bị xử lý nhưng trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn phát sinh hàng trăm trường hợp vi phạm. Ông Trương Xuân Cừ cho rằng Chính phủ, chính quyền TP Hà Nội và huyện Sóc Sơn cần có giải pháp xử lý các tồn tại cũng như những vi phạm phát sinh.
"Nếu không kiên quyết mà người dân vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ ngày càng khó khăn trong xử lý. Phải có biện pháp ngăn chặn, không để hàng trăm vi phạm phát sinh mới đi xử lý, cưỡng chế được" - ông Cừ nhấn mạnh.
Phân tích về mặt pháp lý, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng vi phạm đất rừng ở Sóc Sơn xảy ra nhiều năm qua. Tình trạng này cho thấy sự buông lỏng quản lý của chính quyền. Việc xử lý vi phạm phải làm triệt để, sai đến đâu xử lý đến đó. Những trường hợp nào có dấu hiệu hình sự thì cơ quan chức năng phải điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.
"Câu chuyện đất rừng ở Sóc Sơn là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua, điển hình của việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. Về lâu dài, TP Hà Nội phải có giải pháp để gỡ vấn đề này. Cần rà soát lại toàn bộ quy hoạch cũng như vấn đề pháp lý của từng mảnh đất để đưa ra giải pháp phù hợp" - luật sư Tú nói.
Nhiều cán bộ bị kỷ luật, khởi tố
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết liên quan đến các vi phạm đất rừng, huyện đã xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với chủ tịch UBND xã Minh Phú; khiển trách đối với phó chủ tịch UBND xã Minh Phú và chủ tịch UBND xã Minh Trí. Ngoài ra, cảnh cáo đối với phó chủ tịch UBND xã Minh Phú; đình chỉ công tác đối với phó chủ tịch UBND 3 xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung xử lý vi phạm.
Huyện Sóc Sơn đã hoàn thiện 164 hồ sơ (Minh Phú 35, Minh Trí 129) chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội. Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú…
Bình luận (0)