Nguyên đơn là gia đình bà V.T.Đ (SN 1968), do bà Đ. làm đại diện, khởi kiện hàng xóm là gia đình ông N.T.X (SN 1957), do ông X. làm đại diện, yêu cầu di dời trụ điện, đường dây điện, đường ống nước mà gia đình ông X. đang bố trí trên mảnh đất gia đình bà Đ.
Không ai chịu ai
Theo bà Đ. trình bày, bà hoàn tất thủ tục nhận thừa kế từ mẹ ruột một mảnh đất rộng hơn 2.500 m2 (ở tỉnh Long An) từ năm 2011, tiếp giáp mảnh đất do gia đình ông X. làm chủ sở hữu. Lúc bà Đ. nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mảnh đất có đường dây điện 3 pha, 2 trụ điện, ống dẫn nước do gia đình ông X. kéo qua để vào vườn của họ từ nhiều năm trước và được mẹ bà Đ. chấp thuận. Năm 2009, mẹ bà Đ. đột ngột qua đời, bà Đ. là con một tiếp quản tài sản, bao gồm mảnh đất trên.
Minh họa: KHỀU
Nguyên đơn cho rằng từ khi bà về xây nhà trên mảnh đất thừa kế, một trong 2 trụ điện thường xuyên ngã đổ sát vách nhà khiến gia đình luôn thấy bất an. "Hai trụ điện xuống cấp nghiêm trọng nhưng gia đình ông X. vẫn ráng sử dụng, không nghĩ đến rủi ro. Cứ trụ điện nghiêng hay đổ xuống, họ lại sang dựng lên chứ không có ý thay trụ mới. Chúng tôi thấy đường dây điện và trụ điện đó chính là mối nguy. Vì vậy, mong quý tòa buộc bị đơn di dời hết ống nước, dây điện, trụ điện ra khỏi đất nhà tôi" - bà Đ. nêu yêu cầu với HĐXX.
Trình bày trước tòa, ông X. nói gia đình ông không thể sinh sống, trồng cấy trên mảnh đất ấy nếu mẹ bà Đ. không tạo điều kiện cho gia đình ông kéo đường dây điện, nước như vậy. Gia đình ông luôn biết ơn vì điều đó. Trước những yêu cầu của gia đình bà Đ., gia đình ông cũng đã nhiều lần điều đình nhưng không thành. Chính quyền địa phương từng đưa ra phương án ông X. bỏ tiền thay mới hệ thống điện, nước nhưng bà Đ. vẫn nhất mực yêu cầu gia đình hàng xóm di dời hệ thống điện, nước.
"Đi qua nhà nguyên đơn là con đường điện, nước độc đạo trong khu vực. Chúng tôi không có lối nào khác để kéo điện, nước cả. Do đó, tôi không thể di dời theo yêu cầu bà Đ. đưa ra" - bị đơn giải thích trước tòa.
Thấy tình hình căng thẳng, chủ tọa nhắc lại phương án thay mới hệ thống điện, nước bởi đó là cách vẹn cả đôi đường nhưng đều không được cả hai bên đương sự chấp thuận.
Mối quan hệ đứt gãy
"Nếu trước đây gia đình bị đơn thay mới như gia đình chúng tôi nhiều lần đề nghị thì không đến nỗi hai nhà kéo nhau ra tòa, tình cảm sứt mẻ. Giờ bát nước hất đi rồi thì làm sao như lúc ban đầu. Đã đến tòa thì gia đình chúng tôi không nhân nhượng bất cứ điều gì nữa" - nguyên đơn nói dứt khoát, không chút đắn đo.
Luật sư đại diện bị đơn đề nghị tòa án chấp nhận yêu cầu giữ nguyên hiện trạng hệ thống điện, nước bởi dây điện, ống nước và trụ điện do mẹ bà X. cho phép gia đình ông Đ. sử dụng trước khi nguyên đơn nhận thừa kế tài sản. Hơn nữa, theo Bộ Luật Dân sự hiện hành, bị đơn có quyền kéo đường điện, nước qua bất động sản liền kề; cũng có quyền bố trí đường dây điện hay ống nước một cách hợp lý trên mảnh đất do nguyên đơn đứng tên chủ sở hữu nhằm phục vụ tưới tiêu, canh tác nông nghiệp...
Vụ kiện kết thúc với phần thắng thuộc về phía nguyên đơn. HĐXX sơ thẩm buộc bị đơn di dời 2 trụ điện cùng toàn bộ phần dây điện, ống nước ra khỏi phần đất do nguyên đơn quản lý. Tòa án nhận định việc ông X. kéo điện, nước, bố trí trụ điện qua phần đất nhà bà Đ. là thỏa thuận miệng giữa 2 gia đình. Hai bên không lập thành văn bản, không thỏa thuận thuê đất hay thời hạn sử dụng. Không chỉ vậy, đường dây điện cùng trụ điện nằm sát nhà, có thể gây nguy hiểm đối với gia đình bà Đ.
Căn cứ diễn biến phiên tòa cùng hồ sơ vụ việc, HĐXX kết luận trường hợp kéo điện, nước như trên vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của nguyên đơn. Từ đó, HĐXX buộc bị đơn có nghĩa vụ di dời toàn bộ hệ thống điện, nước cũ ra khỏi phần diện tích đất nguyên đơn sở hữu hợp pháp. Bản án này được phía ông Đ. cho biết sẽ kháng cáo.
Trước mắt, số phận đường dây điện (dài khoảng 20 m) cũng như 2 trụ điện cũ nát đã được định đoạt bằng một bản án. Thế nhưng, đáng buồn hơn là mối quan hệ vốn khăng khít của 2 gia đình từ nay đã không còn, một khi họ quyết "đấu" đến cùng, chỉ vì một chuyện nhỏ.
Bình luận (0)