Nghe HĐXX phân tích tội trạng và tuyên phạt mức án 7 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", bị cáo Lê Văn Trợ (SN 1956) lặng người. Sự ân hận của ông không thể làm nạn nhân mất tiền tỉ trong vụ án lừa đảo nguôi ngoai.
Hám tiền làm liều
Năm 2016, một nhóm tội phạm chuyên làm giả giấy tờ nhà đất, thuê người đóng giả chủ đất ký tên vào giấy ủy quyền quản lý, mua bán hay hợp đồng sang nhượng, trả công cho người ký thuê vài triệu đồng, còn chúng ôm trọn khoản tiền lớn của nạn nhân bỏ ra mua đất rồi cao chạy xa bay. Người nhận vài triệu đồng làm công việc mà nhóm chủ mưu gọi là "việc nhẹ lương cao" phải lãnh trọn hậu quả, trong đó có ông Lê Văn Trợ. Chuyện bắt đầu từ việc ông đóng giả chủ đất, ký tên trong giấy ủy quyền để nhận tiền công 5 triệu đồng.
Hai bị cáo ra xe dẫn giải sau khi tòa tuyên án
Trước khi vướng vòng lao lý, do hoàn cảnh quá khó khăn, không thể cậy nhờ con cháu, ông Trợ tự kiếm tiền trang trải cuộc sống bằng nghề chạy xe ôm. Rồi một ngày có người giới thiệu cho ông công việc nhẹ nhàng nhưng tiền công khá cao, không suy nghĩ nhiều, ông gật đầu đồng ý. Trước HĐXX, kể lại chuyện xảy ra trước đây, ông Trợ rơm rớm nước mắt. "Lúc công an tìm đến nhà, bị cáo mới biết người ta mất 6 tỉ đồng vì bị cáo" - ông Trợ ấp úng nói.
Ông Trợ phân trần vì không biết chữ, cũng không biết ký tên, chỉ có thể viết nguệch ngoạc họ tên nên ông không biết nội dung tờ giấy ủy quyền là những gì. Sau khi viết họ tên theo yêu cầu vào tờ giấy rồi lăn tay, bị cáo được nhận tiền. Không hề nghĩ đến có ngày bị bắt và phải ngồi tù chỉ vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Phạm tội phải bị trừng phạt
Những giọt nước mắt tiếc nuối, ân hận rơi trên khuôn mặt đen sạm dày đặc nếp nhăn bởi những tháng ngày phơi mưa, phơi nắng mưu sinh, thỉnh thoảng bị cáo Lê Văn Trợ quay xuống dưới nhìn nạn nhân như muốn cầu xin sự tha thứ. Nhưng "của đau con xót", bỗng dưng bị mất những đồng tiền mồ hôi nước mắt mà không biết đến bao giờ mới được bồi thường thì sự hối hận, khẩn khoản của bị cáo không dễ nhận được sự thứ tha.
Luật sư bào chữa cho rằng bị cáo thất học, hiểu biết hạn chế, làm theo lời người khác mà không ý thức được hậu quả xảy ra, không biết là hành vi của mình vi phạm pháp luật. Bị cáo cũng không ăn chia số tiền chiếm đoạt; xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, đại diện VKSND khẳng định bị cáo Lê Văn Trợ biết rõ bản thân không là chủ tài sản nhưng lại ký tên, lăn tay vào giấy tờ liên quan đến tài sản đó. Nếu bị cáo Trợ không đóng giả người khác, không ký tên vào giấy ủy quyền thì người mua đất không bị mắc lừa, văn phòng công chứng không thể làm thủ tục công chứng. Đồng tình, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh: "Dù có xuất thân ra sao, hoàn cảnh thế nào thì người phạm tội cũng không thể thoát khỏi trách nhiệm".
Tham dự phiên tòa, nạn nhân trong vụ án tỏ rõ thái độ cứng rắn. "Tôi đề nghị tòa án xử phạt thật nặng đối với 2 bị cáo (ra tòa cùng tội với bị cáo Trợ còn có Lê Thị Mỹ Dung). Nếu họ không tham tiền, làm bậy thì tôi đâu mất oan 6 tỉ đồng. Từ khi vụ án xảy ra đến nay, gia đình tôi khốn đốn biết bao nhiêu" - nạn nhân gay gắt.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Văn Trợ khẩn thiết xin nạn nhân tha thứ và hứa sẽ cùng gia đình cố gắng khắc phục thiệt hại. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh gia đình 2 bị cáo Trợ và Dung, không biết đến bao giờ nạn nhân mới có thể nhận lại được số tiền 6 tỉ đồng bị lừa.
"Cò" đất thuê người giả mạo chủ đất
Trong vụ án trên, HĐXX cũng tuyên phạt bị cáo Lê Thị Mỹ Dung (SN 1965) 13 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo HĐXX, bị cáo Dung (làm môi giới nhà đất thời điểm xảy ra vụ án) là người thuê địa điểm giao dịch và đóng giả chủ đất; bị cáo Lê Văn Trợ là người đóng giả một trong hai chủ đất ký tên vào hợp đồng ủy quyền. Do Dung và Trợ không biết việc những đối tượng khác làm giả, đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cơ quan công tố không có cơ sở xử lý hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX buộc 2 bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người mua đất.
Bình luận (0)