Liên tục những ngày qua, hàng trăm người dân có đất nhận khoán của Công ty TNHH hai thành viên Cà phê Cư Pul (Công ty Cà phê Cư Pul) ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã kéo lên trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh và Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị được tổ chức đối thoại để làm rõ những sai phạm của công ty này.
Tài sản bán rồi vẫn khấu hao!
Đơn khiếu nại của hơn 100 hộ dân là công nhân, người nhận khoán của Công ty Cà phê Cư Pul gửi Báo Người Lao Động khẳng định trong suốt nhiều năm qua, công ty này đã thu sai nhiều khoản tiền khấu hao tài sản, thu tiền sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tiền lãi vay vốn không đúng quy định…
Trước phản ánh của người dân, ngày 18-9-2014, UBND tỉnh Đắk Lắk có Công văn số 6799/UBND-NC khẳng định đến năm 2012, công ty này đã thu vượt 11% giá trị khấu hao vườn cây. Ngoài ra, đối với khoản thu khấu hao tài sản phục vụ khác, từ năm 1994-2012, Công ty Cà phê Cư Pul đã thu vượt 22,4%. Thậm chí, các tài sản phục vụ sản xuất mặc dù công ty đã bán hết từ năm 1995 nhưng sau đó vẫn tính khấu hao. Cũng theo công văn này, năm 2012, nhà nước không thu thuế sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thu tiền lãi vay vốn Hiệp định Việt - Xô, thu tiền lãi vay ngân hàng nhưng Công ty Cà phê Cư Pul vẫn tiếp tục thu các khoản nói trên đối với người nhận khoán.
Ông Trần Quang Vinh, một hộ dân nhận khoán, bức xúc: “Chúng tôi đã tính toán rõ các khoản thu vô lý của Công ty Cà phê Cư Pul với số tiền rất lớn, trong đó có một số khoản không được đưa vào sổ sách nhưng cơ quan chức năng không xem xét đầy đủ. Suốt bao năm qua, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đối thoại với công ty để làm rõ những sai phạm này nhưng vẫn chưa được chấp thuận”.
Thuộc diện giải thể?
Công ty Cà phê Cư Pul có tổng diện tích giao khoán hơn 260 ha, phần lớn đã khoán trắng cho người dân tự đầu tư 100%. Được nhà nước giao đất nhưng không quản lý, để người dân tự trồng thêm nhiều loại cây khác và những năm gần đây không thu được sản lượng. Đối chiếu với Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông - lâm nghiệp thì Công ty Cà phê Cư Pul có nhiều yếu tố thuộc diện phải giải thể, bàn giao đất cho địa phương quản lý. Cụ thể, tại khoản 2, điều 7 của nghị định này quy định giải thể các công ty nông nghiệp nếu “khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích chiếm từ 3/4 tổng diện tích công ty được giao, thuê”. Còn tại khoản 3, điều 7 cũng quy định giải thể công ty nông nghiệp đối với trường hợp “quy mô diện tích dưới 500 ha, phân tán, sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả”.
Tuy nhiên, ngày 15-4-2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên Cà phê Cư Pul thành Công ty TNHH hai thành viên Cà phê Cư Pul. Tổng số vốn điều lệ sau chuyển đổi là 120 tỉ đồng, trong đó Công ty TNHH một thành viên Cà phê Cư Pul góp vốn tỉ lệ 22%, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Bình Dương góp 78%. Ngay sau khi nhận được thông báo này, hàng trăm hộ nhận khoán đã khiếu nại lên cơ quan chức năng vì cho rằng không đúng với quy định hiện hành do chưa giải quyết dứt điểm việc khiếu nại.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Đội 2 Công ty Cà phê Cư Pul, cho biết: “Công ty chỉ có hơn 260 ha đất, diện tích không liền nhau, manh mún, không quản lý được, kinh doanh kém hiệu quả, bao năm nay khoán trắng cho người dân. Do đó, chúng tôi đề nghị giải thể công ty, bàn giao đất cho địa phương quản lý”.
Trước những đề nghị này, ngày 15-7-2016, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã có văn bản giao cơ quan chức năng làm rõ một số vấn đề như: Khi chưa giải quyết dứt điểm khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân nhận khoán mà UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Công ty TNHH hai thành viên Cà phê Cư Pul có đúng quy định của pháp luật không? Việc chuyển đổi có đúng với quy định tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ không? Báo cáo rõ có hay không việc công ty yêu cầu các hộ dân chặt bỏ cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… để trồng chanh dây…
Để làm rõ những vấn đề liên quan, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Lê Ngọc Hạ, Giám đốc Công ty Cà phê Cư Pul, nhưng không được chấp thuận.
Cha giám đốc, con làm kế toán
Ông Lê Ngọc Hạ giữ chức Giám đốc Công ty Cà phê Cư Pul đã hơn 10 năm. Mới đây, ông Hạ đưa con gái vào làm kế toán trong công ty. Sau khi người dân phản ánh, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác minh và khẳng định việc ông Hạ đưa con gái vào làm kế toán là vi phạm khoản 3, điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng. Trong điều khoản này nêu: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.
Bình luận (0)