Người thực hành quyền công tố nhấn mạnh, bị cáo Mai thừa nhận với vai trò là Giám đốc tài chính Công ty Alibaba (kiêm Giám đốc Công ty Alibaba Law Firm), bị cáo là người quản lý tài chính, việc chi tiền mua các lô đất do Mai thực hiện theo sự chỉ đạo của Luyện.
Do đó, bị cáo buộc phải biết rõ toàn bộ dòng tiền trong vụ án này cũng như những rủi ro, tính pháp lý của các dự án.
VKS đối đáp với các luật sư ngày 21-12.
Trước đó, vào ngày 21-11-2018, Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) mở sổ tiết kiệm số tiền 50 tỉ đồng tại ngân hàng, rồi chỉ đạo Lực rút 31 tỉ đồng mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng) đứng tên. Sau đó, Thắng rút 18 tỉ đồng mua 2 căn nhà tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; còn lại 13 tỉ đồng giữ trong sổ tiết kiệm.
Ngày 18-9-2019, Mai và Thắng chứng kiến Cơ quan CSĐT thi hành lệnh bắt và khám xét Công ty Alibaba cùng các chi nhánh. Lực đến trụ sở công ty nhưng không vào, chỉ quan sát từ bên ngoài. Ngày hôm sau, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi hơn 13,9 tỉ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên. Sau đó, Mai chuyển 13 tỉ đồng cho Lực, chỉ đạo Lực rút tiền mặt giao lại cho Mai.
Trong phiên xét xử trước đó, Mai khai đã sử dụng số tiền này để trả nợ. HĐXX yêu cầu Mai làm rõ nhân thân những người nhận tiền thì Mai nói "không tiện nói tên". Đến nay, số tiền này không thu hồi được.
Bào chữa cho bị cáo Mai, luật sư nói cần xác định số tiền 13 tỉ đồng có phải là tiền mà VKS cáo buộc các bị cáo lừa đảo mà có hay không, nếu không làm rõ sẽ dẫn đến oan sai.
Đại diện VKS nói đối chiếu hồ sơ vụ án cho thấy tất cả nguồn tiền mà Công ty Alibaba là từ việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất với khách hàng. Xác minh 22 công ty con cho thấy các công ty này không có doanh thu khác nên khẳng định đây là số tiền có được từ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo. Chưa kể, ba bị cáo Mai, Lực và Thắng cũng thừa nhận biết rõ số tiền trên do Luyện thu từ khách hàng.
VKS nói nếu tại thời điểm Công ty Alibaba bị phong toả, dù nhận chỉ đạo từ Mai nhưng Lực và Thắng không thực hiện thì hậu quả đã không xảy ra. Do đó, đối với tội danh này VKS giữ nguyên quan điểm truy tố.
VKSND TP HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Mai và Lực cùng 30 năm tù về cả hai tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Riêng bị cáo Thắng bị truy tố tội "Rửa tiền", bị đề nghị mức án 5-6 năm tù.
Đại diện VKS cho biết với hành vi phạm tội của mình, bị cáo Thắng phải bị truy tố ở khung hình phạt từ 10-15 năm tù. Tuy nhiên, VKS đã xem xét vai trò của bị cáo và hoàn cảnh bị cáo đang mắc bệnh ung thư nên đã đưa ra mức án đề nghị dưới khung hình phạt. Tuy nhiên, bị cáo Thắng xin được hưởng án treo. VKS trả lời việc bị cáo có được áp dụng án treo hay không thì phải do HĐXX tuyên.
Về trách nhiệm dân sự đối với tội "Rửa tiền", HĐXX buộc bị cáo Mai nộp lại 13 tỉ đồng cho cơ quan chức năng.
Đối với yêu cầu chuyển tội danh của bị cáo Mai thành "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai" mà các luật sư bào chữa nêu, đại diện VKS khẳng định hành vi đưa ra thông tin gian dối để quảng cáo về sản phẩm không có thật (dự án dân cư), sử dụng hình thức hợp đồng để chiếm đoạt tài sản của khách hàng, che đậy nguồn gốc bằng hàng loạt công ty sở hữu những dự án không có thật của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
"Đây là quan điểm xuyên suốt của VKSND TP HCM" - người thực hành quyền công tố nêu.
Bình luận (0)