Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường và những yếu tố, quy luật của nền kinh tế ấy đã len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội, trong đó có cả văn hóa, và cụ thể hơn là lễ hội truyền thống. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nghi lễ bị giải thiêng vì mục đích thương mại hóa. Chính vì thế, xây dựng một hệ thống các giải pháp để lễ hội không bị thương mại hóa thái quá, trả lại vẻ đẹp cho lễ hội, là rất quan trọng.
Trong những năm vừa qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều nỗ lực trong việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương. Nghị định 110/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội thực sự đã là một bước tiến lớn, giúp hoạt động này trở nên rõ ràng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, một phần đến từ bản chất lễ hội là một cuộc vui đông người nên dù quản lý đến đâu cũng khó có thể tránh được sai sót, phần khác đến từ xu hướng thương mại hóa trong việc tổ chức lễ hội, hiện tượng mê tín dị đoan đi kèm với các hoạt động tâm linh… khiến chúng ta không thể lơ là với hoạt động quản lý lễ hội.
Tạo môi trường phát triển bền vững với hệ thống các giải pháp là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm lễ hội truyền thống giữ được bản sắc và không bị thương mại hóa thái quá. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo ra các lợi ích xã hội và kinh tế đa chiều.
Để thực hiện điều này, theo tôi, chúng ta có thể áp dụng hệ thống các giải pháp. Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, nhất là việc xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại và kiểm soát hoạt động kinh doanh.
Thứ hai là tăng cường ý thức cộng đồng. Công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội là rất quan trọng. Những hoạt động tuyên truyền có thể được tổ chức để nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các lễ hội.
Thứ ba là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Các tổ chức cộng đồng nên được khuyến khích nhiều hơn nữa để tham gia tích cực và chịu trách nhiệm lớn hơn nữa trong tổ chức các hoạt động lễ hội. Thứ tư là tiếp tục xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn nữa. Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể thiết lập các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ để hạn chế hoạt động thương mại trong các lễ hội. Việc áp dụng các biện pháp phạt và xử lý nghiêm đối với việc vi phạm các quy định này cũng là một cách rất tốt để bảo đảm tuân thủ.
Thứ năm là khuyến khích hình thức tài trợ hợp lý. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp và quảng cáo thương mại, cần khuyến khích các hình thức tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội và các nhóm quan tâm đến văn hóa để hỗ trợ các lễ hội mà không làm mất đi bản sắc truyền thống của lễ hội.
Yến Anh ghi
Bình luận (0)