Sáng 4-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Thống nhất ý chí, cùng hành động
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc khó, thậm chí rất khó nhưng không làm không được và khó mấy cũng phải làm.
Trước nhiệm vụ khó, nặng nề, thời gian ngắn, yêu cầu cao, công việc phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng cấp ủy và các cơ quan thuộc bộ, ngành quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, bảo đảm khoa học với lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này cần gắn với phát huy trách nhiệm cá nhân của từng thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, cá nhân lãnh đạo các cơ quan; gắn việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.
Song song với đó, phải làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất ý chí để cùng hành động, cùng làm. "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi" - Thủ tướng quả quyết.
Giao rõ việc, rõ thời hạn
Về thời gian, cách làm, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thành lập ban chỉ đạo với tổ giúp việc để tổ chức thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18 và phát huy tinh thần chủ động trong sắp xếp theo lộ trình của Trung ương và hướng dẫn chung. "Các bộ trưởng dành thời gian, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt công tác này" - Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng lưu ý cần vừa sắp xếp tổ chức Đảng vừa sắp xếp hệ thống cơ quan quản lý nhà nước theo định hướng của Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ lên kế hoạch cụ thể với ngày giờ rõ ràng để các bộ, ngành thực hiện. Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Nội vụ giải quyết các vấn đề phát sinh, báo cáo ngay các vấn đề vượt thẩm quyền.
Các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công chủ động làm việc với các bộ, ngành để triển khai và kiểm tra công việc thường xuyên. Ban Chỉ đạo của Chính phủ họp hằng tuần để triển khai công việc, nắm bắt tình hình và xử lý các vướng mắc.
Chọn mô hình phù hợp cho tổng công ty
Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết số 18, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và lưu ý một số nội dung: Mục tiêu chung là hoàn thành sớm việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan phù hợp, hiệu quả, tinh gọn, sử dụng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ hơn; tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, giảm bớt khâu trung gian, cơ bản kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ; lựa chọn tên gọi các bộ, cơ quan ngắn gọn, bao quát chức năng, nhiệm vụ, vừa có tính lịch sử, kế thừa, nhất là các bộ hợp nhất.
Với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng cho rằng cần tổng kết, phát huy các mô hình thành công đã có, nghiên cứu, lựa chọn mô hình phù hợp để làm tốt việc quản lý vốn, phát triển vốn nhà nước và tập trung cho đầu tư, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước dựa trên hiệu quả tổng thể.
Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng; bảo đảm chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Song song đó, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, không để khoảng trống pháp lý và xây dựng phương án để khi sắp xếp xong thì bắt tay ngay vào công việc.
Tháo gỡ điểm nghẽn để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Ngày 4-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11-2024.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận 7 nội dung quan trọng là dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng 6 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chính quyền địa phương; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ "điểm nghẽn" nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
B.Trân
Bình luận (0)