Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ đến làm việc với tỉnh Bình Dương về quy hoạch phát triển - tầm nhìn đến năm 2050 và thị sát đề án giao thông quan trọng. Điều đó nói lên vị trí, vai trò của Bình Dương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đó là vai trò hạt nhân, có thể kích thích sự phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ, vì Bình Dương là hạt nhân công nghiệp hóa. Ở đó, kinh tế công nghiệp chiếm tỉ trọng rất lớn trong vùng, cũng là nơi thu hút được rất nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước. Như vậy, Thủ tướng đến làm việc với Bình Dương là nhằm tạo "cú hích" mạnh hơn vào hạt nhân phát triển của vùng, từ đó lan tỏa mạnh hơn động lực phát triển của Đông Nam Bộ.
Nội dung làm việc của Thủ tướng nhằm vào 2 lĩnh vực rất quan trọng. Theo đó, Bình Dương phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa mũi nhọn kinh tế số, kinh tế xanh; nâng cao trình độ công nghệ, hướng tới làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thoát khỏi việc gia công cho nước ngoài. Lĩnh vực này hoàn toàn có tính khả thi vì Bình Dương đã có một số ngành công nghiệp đạt trình độ tiên tiến so với ASEAN.
Lĩnh vực quan trọng thứ hai mà Thủ tướng yêu cầu là đẩy mạnh và thực hiện nhanh hơn nữa các dự án lớn về hạ tầng giao thông liên kết Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng, nhất là với TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lĩnh vực hạ tầng giao thông đối với Bình Dương được coi như điều kiện tiên quyết của sự phát triển, do địa phương này nằm ở vị trí trung tâm miền Đông, tuy thuận lợi là không có biên giới nhưng bất lợi là không có cảng biển, cảng sông lớn và cảng hàng không như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM. Thế nên, Bình Dương chỉ có thể dựa vào hệ thống đường bộ để đi ra biển, đến các sân bay lớn và nối với mạng giao thông quốc gia.
Sự chỉ đạo và đôn đốc của Thủ tướng đối với Bình Dương không chỉ là với một địa phương mà còn là cả vùng Đông Nam Bộ. Bởi lẽ, những gì thực hiện tốt hay chưa tốt ở Bình Dương luôn tác động trực tiếp đến sự phát triển của các tỉnh, thành trong vùng. Sự chỉ đạo của Thủ tướng về công việc cụ thể trước mắt và tầm nhìn xa về quy hoạch phát triển của Bình Dương giống như một bức tranh về tương lai của cả vùng Đông Nam Bộ.
Song thực tế, có thể thấy sự phát triển của TP HCM và cả vùng - từ quy hoạch, dự án đến thực hiện - thường có những khoảng cách. Chẳng hạn, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên trải qua nhiều lần đội vốn, chậm trễ kéo dài 12 năm, đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác được. Dự án chống ngập với vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng cũng trễ hẹn 4 lần, hiện mới đạt hơn 93% khối lượng công việc và chưa đưa vào sử dụng. Nguyên nhân sự chậm trễ của 2 dự án nêu trên phần lớn thuộc về các thủ tục hành chính, do sự phối hợp của địa phương với các bộ, ngành chưa thông suốt.
Đó là kinh nghiệm rất cụ thể ở TP HCM mà Bình Dương và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cần tham khảo kỹ. Bởi lẽ, nếu không có cơ chế đặc thù, như TP HCM với Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, thì vấn đề phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành có thể còn khó khăn hơn.
Bình luận (0)