Có một bà lão tuổi ngoài thất thập vẫn đi lại như con thoi giữa Việt Nam và Lào. Có khi bà sang Lào để dự đám cưới, có khi sang giúp đỡ những doanh nghiệp Việt muốn đầu tư trên đất bạn. Nhưng thường là bà sang thăm những gia đình Lào mà bà gắn bó, thân thiết như ruột thịt.
Ríu ran lời chào
Trên chuyến xe khách đường dài xuất phát từ Hà Nội đến thủ đô Vientiane (Lào) hôm ấy, bà thấp thểnh với rất nhiều đồ đạc nên phải nhờ người của nhà xe chuyển giúp lên xe. Đó là dăm bảy thùng sữa tươi, vài thùng bánh mì, mấy ký giò…
Mười mấy tiếng đồng hồ bập bềnh trên xe khách, vắt từ sườn Đông sang tới sườn Tây Trường Sơn, ai nấy đều phờ phạc, mệt mỏi, ngáp ngắn ngáp dài. Từ trên xe nhìn xuống, cả khoảng sân mênh mông trước cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), chỉ thấy cái dáng thấp, đậm của bà thoăn thoắt giữa sương mờ. Vài giọng ngái ngủ vọng xuống: "Bà già này khỏe dữ". Ngang trạm làm thủ tục nhập cảnh, bà ấn vào tay một chiến sĩ biên phòng ký giò lụa: "Trưa con cắt ra mời anh em giúp u nhé". Gương mặt người lính rắn rỏi, dạn dày sương gió, không giấu được xúc động: "Lần nào qua u cũng có quà cho tụi con!". Bà cười khì khì: "Nhà u có mấy đứa là bộ đội, nên chúng mày khác nào con u".
Bà là thiếu tá Lê Thị Việt, vợ của cố đại tá Lê Văn Hân - một trong 12 sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh trong vụ rơi máy bay quân sự vào ngày 25-5-1998, tại Xiengkhuang (Lào). Cũng từ ngày đó, bà Việt sợ, không dám đặt chân lên bất cứ chuyến bay nào.
Đến bến xe Vientiane, bà ầm ào chỉ đạo anh Thông - một người Việt sinh sống lâu năm tại Lào: "Thùng này mang về cho trẻ con nhà Thông. Thùng này cho u gửi, hôm tới u mang cho con chú Thongloi. Còn lại để ở cốp xe u mang đến cho trẻ con nhà chú Mỏn". Bà Việt ngó đồng hồ, tiếp tục chỉ đạo: "Giờ này chú Mỏn chưa đi làm về, cô Sỏn cũng ở vườn trồng nấm, nuôi gà. Thông chở mấy đứa ra chợ trung tâm thăm bà con người Việt mình trước".
Đi một vòng quanh cái chợ do Việt Nam xây tặng giữa thủ đô Vientiane, bà Việt giới thiệu vanh vách: "Cô Yến bên này và cô Hương bên kia là chị dâu em chồng. Cô Hương ở vậy không lập gia đình. Bà cụ nhà đó mới mất. Cô Loan người Hà Nội, gia đình sang Lào chưa được bao lâu thì cậu con trai duy nhất qua đời. Cô Oanh bán vải góc kia là người phố cổ đấy".
Bà Lê Thị Việt (bìa phải) với các tiểu thương ở chợ trung tâm Viêng Chăn.
Theo mỗi bước chân bà lão tuổi 75 là ríu ran lời chào, chộn rộn những câu chuyện hỏi han việc làm ăn ở Lào, đời sống ở Việt Nam. Người mà bà Việt hồi nãy giới thiệu tên Yến ghé tai tôi: "Giờ u Việt còn béo khỏe, chứ những năm sau khi ông vừa qua đời, u gầy, hom hem, đen quắt".
Thân như ruột thịt
Vientiane giờ tan tầm tắc đường một cách có trật tự. Làn bên này xe nối xe dằng dặc nhưng làn bên kia vẫn rộng thênh thang, dõi mắt tìm cũng không thấy chiếc nào chen lấn.
Bà Sỏn (bà Việt gọi tên thiếu tá Khamsone Chanyalat như vậy) vừa bước xuống từ chiếc xe bán tải xộc xệch, nhào đến ôm bà Việt. Bà Việt nói tiếng Việt, thỉnh thoảng chen tiếng Lào "bồi", bà Sỏn thì nói tiếng Lào hoàn toàn. Thế mà câu chuyện của hai người phụ nữ, hai cựu quân nhân ấy kéo dài tưởng như bất tận.
Ông Mỏn, chồng bà Sỏn, vừa đi làm về, thoáng thấy bà Việt đã nói như reo: "Chị!". Bà Việt hồn nhiên cầm mấy chiếc bánh mì bé xíu "khoe" với ông Mỏn, thân tình hệt như một bà chị với người em trong gia đình: "Chị mua cho trẻ con ăn sáng trước khi đi học. Một cái bánh mì và một hộp sữa là đủ. Mà bánh mì tính ra tiền Việt thì chưa đến 4.000 đồng/cái".
Bà Sỏn - ông Mỏn có 4 người con, tất cả đều học đại học, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam. Hiện giờ ông bà đang có 2 cháu nội học ở Trường THCS Trần Quốc Tuấn (TP Hà Nội). Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên, bà Sỏn cười: "Lào, Việt là anh em mà. Ở Hà Nội lại có bà Việt nữa. Hai tuần một lần, bà đến trường đón bọn trẻ về nhà chơi. Đứa nào cũng chờ được ăn cơm bà Việt nấu" - con trai bà Sỏn dịch. Tính từ khi cố đại tá Lê Văn Hân sang làm cố vấn cho nước bạn, gia đình bà Việt và gia đình ông Mỏn - bà Sỏn đã có hơn 40 năm gắn bó. Đến độ mấy năm trước, khi ông Mỏn xây nhà, đã "vời" "chị Việt" từ Hà Nội sang, ở hẳn Vientiane mấy tháng trời để trông nom cánh thợ!
Bà Lê Thị Việt (bìa phải) cùng gia đình Đại tướng Chansamone Chanyalath Ảnh: TƯ LIỆU
Có hôm đã xế chiều, chúng tôi theo chân bà Việt đến nhà bác Chum. Bác đã ngoài bát tuần, bận quần soóc giản dị. Cuộc trò chuyện giữa anh - em, ông - cháu hoàn toàn bằng tiếng Việt. Bà Việt rủ rỉ: "Hơn một năm anh chưa đi kiểm tra sức khỏe là không được. Tới đây, anh sắp xếp sang Hà Nội, đến Bệnh viện 108 kiểm tra đi. Khi nào anh sang được, anh gọi cho em để sắp xếp".
Bác Chum cười hiền hậu. Bất chợt, đôi mắt bác bàng bạc như gọi ký ức về: "Sắp đến Tết nguyên đán rồi nhỉ. Tôi chỉ nhớ bánh chưng cô Việt mang sang thôi. Ngày xưa, thời chống Mỹ, bộ đội Cụ Hồ và bộ đội Pathet Lào cùng chung một chiến hào, gần đến Tết nguyên đán, anh em chúng tôi chia nhau miếng bánh chưng, ngon lắm". Rồi bác Chum dặn: "Lâu lắm tôi không qua thăm chú Hân được, cô Việt về, thắp giúp tôi nén nhang lên bàn thờ chú nhé!".
Trước nghĩa tình thắm thiết, gần gũi giữa họ, quả thực chúng tôi càng thêm bất ngờ và xúc động hơn khi biết người mà bà Việt giới thiệu tên là chú Mỏn ấy chính là Đại tướng Chansamone Chanyalath, hiện đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; còn bác Chum chính là nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - ông Choummaly Sayasone.
Thực sự là anh em
"Ông Hân gắn bó với nước bạn Lào hơn 20 năm. Thằng Hiếu lên 8 tuổi vẫn không nhận bố, vì hầu như ông ấy không có thời gian ở với vợ con. Khi 2 đứa con trai học đại học, chúng tôi quyết định cho chúng học ở Lào, để được gần bố. Nhưng bố con không có sự gắn kết từ bé nên thằng Hiếu sống với bố mà vẫn có khoảng cách, không dám gần. Hiếu chỉ gần bố chưa được một năm thì bố mất" - giọng bà Việt nghèn nghẹn khi kể về chồng, con.
Rồi bà im lặng rất lâu mới kể tiếp rằng khi ông mất, một mình gánh vác gia đình, bà đưa máy làm bún từ Hoài Đức (thuộc Hà Tây cũ) sang Lào, nuôi các con học đại học bằng nghề làm bún. Mùa mưa không sản xuất được thì bà lại lấy bún, miến khô từ Hoài Đức mang sang bán buôn cho các chợ, các hàng quán.
Bà tâm sự: "Tôi gắn bó với Lào đến tận ngày hôm nay là vì ông ấy. Tôi biết nếu máy bay không rơi, nếu ông ấy còn sống thì có lẽ ông ấy vẫn ở lại Lào chứ không hẳn là về Việt Nam. Vì ông và những người bạn Lào đã thực sự là anh em, thân thiết từ ngày chú Mỏn, chú Thongloi còn là chiến sĩ, cho đến bây giờ. Chú Thongloi nay cũng đã là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào. Ngày trước, các chú ấy luôn nói với ông Hân: "Anh như là bố của em!". Còn bác Chum, khi nghe tin rơi máy bay thì ngồi tu tu khóc.
Nhìn bà Việt tấp tểnh trước Patuxay - khải hoàn môn của người Lào, tôi chợt nhận ra rằng với tôi, những người như bà Việt chính là cầu nối, là hiện thân của tình hữu nghị Việt - Lào!
Thay chồng nối dài mối tình đặc biệt
Đang tủi mủi thì có điện thoại, máy vừa rời tai là bà Việt rổn rảng rủ tôi: "Tháng sau u lại sang ăn cưới, họ vừa mời. Con đi với u không. Người Lào đã mời đám cưới, phải đi đông mới là thể hiện sự quý mến với chủ nhà. Đám cưới ở Lào vui lắm. U đi ăn cưới, từ thành phố đến nông thôn, đám nào cũng hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng". Rồi bà bảo chính những tình cảm gắn bó không gì đổi được ấy mà bà thấy phải có trách nhiệm thay chồng nối dài mối tình đặc biệt: Việt - Lào hai nước anh em.
Ban Tổ chức cuộc thi phóng sự - ký sự 2019 trên Báo Người Lao Động đã nhận được tác phẩm của các tác giả: Mai Nam Thắng (Làng mình), Lê Công Hội (Ông cổ hủ xứ Mường), Chung Thanh Huy (Thắm màu làng chiếu Định Yên), Mạnh Hào (Để mình hát xẩm cho mà nghe!), Phạm Xuân Dũng (Trên đỉnh Sa Mù), Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để "gặp gỡ" ông ngoại), Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng), Hồ Thị Xuân Đà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng), Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga)...
Trân trọng cảm ơn các tác giả và mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.
Bình luận (0)