Hai lần được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang trong chống Pháp và chống Mỹ, được nhắc đến trong ca khúc Quảng Bình quê ta ơi… nay làng Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình) lại một lần nữa ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới.
Người “Tây” về làng học làm nông
Chúng tôi về Cự Nẫm trong tiết trời cuối xuân, đầu hạ. Vùng đất bán sơn địa này bao trùm một màu xanh ngút mắt, đường làng, ngõ xóm ngăn nắp, sạch đẹp đến không ngờ. Mặc cho phong trào “bê tông hóa” đang phá vỡ không gian làng, thì Cự Nẫm vẫn vẹn nguyên hồn cốt của một làng thuần nông vùng Bắc Trung bộ.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Thanh Hùng không giấu được tự hào khi nói về quê hương mình: Trong kháng chiến chống Pháp, Cự Nẫm là một pháo đài bất khả xâm phạm, là hình mẫu của cả nước về chiến thuật “rào làng chiến đấu”. Còn suốt cả giai đoạn chống Mỹ, Cự Nẫm là cửa ngõ, là điểm dừng chân của hàng chục nghìn lượt bộ đội vào Nam ra Bắc.
“Biệt danh “làng một đêm” của Cự Nẫm xuất phát trong chiến tranh chống Mỹ. Ngày ấy, bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận. Các thương bệnh binh ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi và lấy nhu yếu phẩm. Có những đêm bộ đội quá đông, dân làng nằm đất nhường giường cho bộ đội” - ông Hùng nhớ lại.
Gặp một nhóm khách Tây đang đi dạo trong làng, ông Hùng buông mấy câu tiếng Anh chào hỏi, cười nói với họ thân thiện. Hình như chưa tự tin lắm về trình độ tiếng Anh của mình, ông Hùng phân bua: “Làm cán bộ xã thì cũng chưa cần tiếng Anh lắm, nhưng giờ suốt ngày tiếp xúc với khách Tây nên cũng học được một ít. Ở Cự Nẫm giờ, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng lận lưng chút ít tiếng Anh để “phòng thân” chú ạ”.
Khách du lịch học làm nông ở Cự Nẫm.
Chỉ tay về phía cách đồng trước mặt, nơi có nhiều người đang làm công việc đồng áng, ông Hùng nói, ở đó phân nửa là khách du lịch nước ngoài đang tham gia làm nông cùng người dân Cự Nẫm.
“Mô hình du lịch homestay, Farmstay đang nở rộ ở Cự Nẫm và các vùng lân cận. Bây giờ Cự Nẫm không còn là làng “một đêm” như những năm chiến tranh mà thành làng “nhiều đêm”, bởi ít có địa chỉ du lịch nào trên đất Quảng Bình lại lưu giữ du khách dài ngày như ở đây” - ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Công, mặt lấm tấm mồ hôi từ dưới khoảnh ruộng bước lên, bỏ lại mấy ông Tây đang hì hục làm đất, hồ hởi khoe: “Thiệt mệt với mấy ông Tây này, cho học cày, bừa xong vẫn không chịu về, lại đòi lên luống để tự tay gieo hạt. Đói bụng lắm rồi nhưng phải chiều mấy ông. Nghĩ cũng vui, đám ruộng ni tiền thu hoạch từ hoa màu không mấy đồng, nhưng tiền thu từ “dạy nghề” thì lại khá”.
Ông Công cho biết, khách Tây rất thích trải nghiệm công việc đồng áng thủ công. Họ tham gia hầu hết các công đoạn từ cày, bừa, làm đất, gieo trồng đến thu hoạch mùa màng... Và cứ mỗi lần được tham gia là họ lại trả tiền cho những người nông dân hướng dẫn họ làm việc. Thậm chí, không ít du khách sau khi tham gia gieo trồng, đến ngày thu hoạch, họ quay lại để chứng kiến thành quả của mình làm ra. Người nông dân Cự Nẫm đang thu bộn tiền từ việc dạy nghề làm nông cho du khách.
Rể Tây về quê vợ dạy làm du lịch
Ông Hùng cho biết, người đặt nền móng đầu tiên để Cự Nẫm từ làng thuần nông thành làng du lịch là một chàng rể Tây - anh Benjamin Joseph Mitchell, người Australia.
Benjamin vốn là một kỹ sư xây dựng, sang làm việc ở Cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) cho một công ty của Canada. Còn chị Lê Thị Bích là người Cự Nẫm, làm hướng dẫn viên du lịch ở TP Đà Nẵng. Hai người tình cờ gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Sau vài lần về thăm quê vợ, mê cảnh sắc nơi đây, năm 2008, Benjamin quyết định nghỉ việc ở Cảng Chân Mây, với mức lương 28.000 USD/tháng để về Cự Nẫm làm du lịch. Anh mua đất, xây dựng một cơ sở lưu trú mang tên Phong Nha Farmstay.
Là người từng đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, Benjamin chọn cho mình sản phẩm du lịch khám phá và trải nghiệm, hướng vào du khách quốc tế. Tất cả những cảnh đẹp của Cự Nẫm và vùng lân cận, đặc biệt là Phong Nha - Kẻ Bàng được Benjamin đưa lên trang Web của mình, giới thiệu khắp năm châu, bốn biển.
Phong Nha Farmstay của vợ chồng anh Benjamin và chị Bích, nơi đặt nền móng cho mô hình du lịch cộng đồng ở Cự Nẫm.
“Khi bọn em về đầu tư kinh doanh du lịch, ai cũng hoài nghi, ngay cả chính quyền cũng không tin sẽ có ngày thành công. Mọi người cứ thắc mắc, sao không lên vùng Phong Nha - Kẻ Bàng mà đầu tư, lại về vùng đất heo hút, ngay cả khái niệm du lịch cũng không mấy ai biết này?” - chị Bích vợ Benjamin tâm sự.
Để ý tưởng của mình thành hiện thực, Benjamin đi khắp vùng khảo sát. Ban đầu anh chọn một vài gia đình và vài quán ăn hướng dẫn lôi kéo họ tham gia vào chuỗi kinh doanh của mình. Cứ thế, từ vài người đến vài chục ngươi, rồi hàng trăm người trên khắp thế giới lần lượt kéo nhau về Cự Nẫm. Ngoài việc thăm thú, khám phá cảnh đẹp trong vùng, đa số du khách rất thích trải nghiệm công việc của nhà nông. Người thì cày bừa làm đất, người tham gia gieo hạt, thu hoạch... họ hồ hởi hứng thú và trả tiền cho tất cả các công đoạn của nhà nông...
Anh Trần Văn Quý và chị Nguyễn Thị Nhất vốn là những “lâm tặc” khi trước đây cuộc sống của gia đình họ phụ thuộc vào những chuyến vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Từ năm 2010, anh Quý chính thức đoạn tuyệt với nghề đi rừng, hai vợ chồng anh quyết định mở cơ sở du lịch ngay tại nhà dưới sự hướng dẫn của Benjamin.
Cơ sở du lịch của vợ chồng anh Quý, chị Nhất lúc đầu cũng chỉ đơn thuần là một quán ăn phục vụ những món dân dã mà gia đình tự làm hoặc mua từ hàng xóm như: gà nướng, lạc rang, rau sạch… và những chai bia ướp lạnh.
Đơn giản có vậy nhưng du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới lại tìm đến đây ngày một đông. “Với khách nước ngoài, thái độ phục vụ là điều quan trọng nhất, phải luôn vui vẻ, hoà đồng, thân thiện. Giá cả thì cứ tính bình dân thôi. Sau khi họ trở về, những cảm nhận tích cực của họ viết trên blog, facebook sẽ lôi kéo nhiều người tìm đến”- chị Nhất chia sẻ bí quyết kinh doanh của gia đình mình.
“Hữu xạ tự nhiên hương”, mới đây nhất, Alison - một khách du lịch người Anh tìm đến quán của anh Quý, khi trở về đã chia sẻ cảm xúc của mình trên nhật báo The Guardian (Người bảo vệ). Cô miêu tả về món ăn của vợ chồng Quý bằng cụm từ “thích đến chết với món ăn tuyệt vời này” hay "gà nướng bên cạnh ly bia lạnh là tuyệt nhất trần đời".
Ông Hùng cho hay, mô hình du lịch cộng đồng đã làm thay đổi bộ mặt của Cự Nẫm. Người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, ai cũng tự giác dọn dẹp vệ sinh vườn tược, đường làng ngõ xóm để mời gọi du khách ghé nhà. Đặc biệt thu nhập từ “dạy nghề” làm nông của người dân Cự Nẫm cao gấp nhiều lần những sản phẩm nông nghiệp làm ra. Ngoài ra các dịch vụ đi kèm cũng thu hút nhiều lao động, giúp người dân thu bộn tiền như: Mở quán ăn, quán giải khát, hay cho thuê xe đạp, xe máy...
Ông Hùng tâm sự: Không ngờ những ca từ trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sỹ Hoàng Vân cách đây gần 50 năm như một lời sấm truyền đối với Cự Nẫm. Ông Hùng cứ nắc nỏm, không ai nghĩ mảnh đất bị bom đạn cày xới đến cỏ cũng không kịp mọc, nay lại là một địa chỉ du lịch trên khắp thế giới. Cao hứng, ông Hùng ngâm nga với chất giọng đầy tự hào: "Có ai về Rào Nan, xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm. Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn mầu".
Bình luận (0)