Trong bối cảnh người bình thường còn khó tìm việc làm, không ít người khiếm khuyết được chị Đinh Thị Quỳnh Nga, Giám đốc Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng, tạo việc làm. Cơ sở của chị ở thôn Gò Sỏi, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội - nơi dừng chân của nhiều người kém may mắn nhưng vẫn mang trong mình những ước mơ.
Ao ước khẳng định mình của người khuyết tật
"Nếu chỉ nghĩ làm để nuôi sống bản thân thì tôi nhàn lắm, nên tôi nghĩ khác" - chị Đinh Thị Quỳnh Nga tâm sự. Điều đó đã thôi thúc một người khuyết tật như chị lăn xả làm những điều tốt đẹp cho người khác, nhất là cho người kém may mắn.
Nếu chị giám đốc chỉ ngồi trò chuyện thì với gương mặt khả ái cộng sự tự tin và cách nói truyền cảm sẽ làm người khác không thể biết chị bị tật ở chân. Khi biết chính chị Nga đã nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân để sống có ích, gieo lòng tốt, tôi càng nể hơn. Nể, không chỉ vì chị sẵn sàng làm việc tốt, mà ngay cả khi đã làm được rất nhiều việc tốt, chị Nga vẫn muốn làm thêm nữa. Đó là có thêm mối quan hệ, thị trường, cách làm, để có thể giúp nhiều người không thể tự bơi ngoài dòng đời.
Chị Quỳnh Nga (bên trái) giới thiệu sản phẩm. Ảnh: VĂN HỌC - ĐINH NGUYỄN
Chị nói: "Mỗi người khuyết tật đều có ao ước của họ. Được làm việc và được nhận lương, khẳng định mình là ao ước cháy bỏng nhất. Nhiều người ở ngoại tỉnh đến với mái ấm, tôi khơi mở khả năng của họ, tạo điều kiện cho họ có thể sống. Đó là mục đích sống của tôi".
Tôi hỏi: "Hẳn phải có điều gì đó tác động khiến chị đi đến quyết định trở thành người tốt giữa bao người?". Quỳnh Nga dẫn tôi đi theo câu chuyện và hành trình khẳng định bản thân của chị. Năm 1 tuổi chị không may bị tai nạn khiến một bên chân bị liệt. Nhưng vì lòng khao khát khẳng định mình, chị đã nỗ lực học tập bởi đó là con đường duy nhất mở rộng thế giới. Chị Nga đã nỗ lực để tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Sau đó chị đi xin việc khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu khi người ta biết chị đi lại khó khăn.
Chuyện tìm việc của Nga không dừng ở đó, năm 2007, chị trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong đời để chị được sống và làm việc đúng với ngành được đào tạo.
Quỳnh Nga chia sẻ: "Trong quá trình dạy học, tôi tiếp xúc với những em bé, bạn trẻ thiếu may mắn, mang dị tật bẩm sinh, ra trường đều rất khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Niềm cảm thông ấy đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó để truyền nghị lực sống cho người yếu thế. Đó là lý do Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng được ra đời năm 2015". Năm 2016, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội công nhận Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng là "Cơ sở sản xuất của người khuyết tật".
Năng động, sáng tạo, thân thiện với môi trường
Để thực hiện được mục tiêu, chị đã dành nhà cửa, đất đai làm trụ sở làm việc, nhà xưởng để sản xuất cho hợp tác xã. Chị đào tạo, giao việc dựa vào sức khỏe, khả năng lao động để phân việc cho phù hợp mỗi người. Những năm mới thành lập, cơ sở của chị sản xuất hạt gỗ và đan xâu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ như khoác ghế ô tô, đệm lót ghế văn phòng, gối mỹ nghệ và các loại vòng đeo tay, đeo cổ, chiếu nằm.
Chị Quỳnh Nga chia sẻ với tác giả về kỹ thuật may
Nhận thấy loại hình chế tạo hạt gỗ có khối lượng phế phẩm khá lớn, trung bình mỗi tuần, xưởng mộc của hợp tác xã thải ra 3 tấn mùn cưa. "Vì muốn tận dụng lượng mùn cưa thải ra, giảm chi phí sản xuất và hướng đến mục tiêu loại bỏ than tổ ong độc hại, chúng tôi đã nảy sinh ý tưởng sản xuất than sạch không khói từ mùn cưa và các loại phế phẩm trong nông - lâm nghiệp" - chị Nga chia sẻ.
Đến nay, Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng đang cưu mang và giúp đỡ gần 40 lao động, trong đó phần lớn là người khuyết tật. Những ngành nghề hoạt động của hợp tác xã là may mặc, trồng nấm, thủ công mỹ nghệ, sản xuất than sạch BBQ, dịch vụ photocopy và cà phê giải khát.
Tính đến nay, hợp tác xã đã có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Doanh thu của hợp tác xã trong điều kiện sản xuất - kinh doanh bình thường khoảng 1 tỉ đồng/năm. "Tôi đạt được thành quả ấy là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều sở, ngành của TP Hà Nội, các tổ chức trong nước, quốc tế. Tôi đang mở lớp học may, trong đó chuyên về tái chế vải vụn" - chị Nga tâm sự.
Đó là một ý tưởng xuất phát từ niềm mong mỏi bảo vệ môi trường và tư duy "không bằng lòng với bản thân" của Quỳnh Nga. Chị cho biết hiện nay có rất nhiều xưởng, doanh nghiệp thải loại vải vụn ra môi trường, gây mất mỹ quan đô thị, đe dọa đến môi trường sống. Bởi thế, nếu thu gom được vải vụn, dựa vào đôi bàn tay khéo léo của con người, biến chúng thành miếng lót chén, xoong, nồi, thậm chí là áo dài có hoa văn đẹp.
"Tôi đang nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn thông tin đến các cơ sở có thừa vải vụn. Tôi có biết về mỹ thuật nên từ những miếng vải vụn bỏ đi, có thể sẽ tạo thành họa tiết, hoa văn rất đẹp cho các bộ áo dài. Tất nhiên, giá thành phải hạ, sản phẩm phải độc đáo" - chị Nga nhấn mạnh.
Nơi thương yêu, đùm bọc
Phải nói rằng đã không ít người lập nghiệp nhờ học nghề ở cơ sở của chị Nga. Đó cũng là một thành công khi chị cố gắng phát hiện khả năng của mỗi người khuyết tật để họ phát huy. Ví dụ như lao động khuyết tật chân chỉ ngồi một chỗ làm một công đoạn trong dây chuyền sản xuất, người lao động không khuyết tật vận động sẽ thực hiện các khâu vận chuyển sản phẩm đi và đến cho người khuyết tật chân. Mỗi thành viên đều nêu cao trách nhiệm, giúp đỡ nhau trong công việc và sinh hoạt.
Chị Đinh Thị Quỳnh Nga (bên trái) nói về ý tưởng biến vải vụn thành sản phẩm
Chị Hoàng Thị Liên, Tổ trưởng Tổ trồng nấm, cho biết: "Trời chẳng cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai mọi thứ. Tôi may mắn được biết và về làm việc cùng chị Nga. Chị ấy là người đã đánh thức khả năng của tôi và tạo cho tôi sự tự tin. Tôi bị khuyết tật chân nên trước đây không bao giờ dám thử mặc váy, đi giày. Thế nhưng, đến nay tôi đã xóa được mặc cảm đó, biết làm đẹp cho chính mình".
Chị Võ Thị Hải - sinh năm 1995, đến từ Quảng Trị - là người khéo tay, có khả năng tạo hạt gỗ. Hải bị khiếm thính từ ngày còn nhỏ. Do hoàn cảnh khó khăn nên Hải phải rời quê hương ra Hà Nội tìm việc làm. Bươn chải nhiều nơi, làm đủ thứ việc nhưng chẳng nơi đâu ổn định. Mãi tới năm 2015, cơ duyên đến khi Hải tìm gặp được chị Nga và được hỗ trợ đào tạo nghề làm hạt gỗ. Qua ngôn ngữ ký hiệu, Hải nói lời cảm ơn chị Nga cũng như các anh, chị đã giúp đỡ mình. Hải coi hợp tác xã là "ngôi nhà thứ hai".
Cùng niềm vui và tự tin, cô gái khiếm thị Nguyễn Linh Chi, sinh năm 1999 ở xã Bắc Phú (huyện Sóc Sơn), nhờ chị Quỳnh Nga mà cô có được "một gia đình nhỏ", nơi ai nấy đều thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thu nhập của mỗi thành viên là 3-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hợp tác xã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội công nhận là "Cơ sở sản xuất - kinh doanh sử dụng 87% lao động là người khuyết tật".
Hiện thực hóa ước mơ
Với nỗ lực cá nhân, chị Nga đã được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Chị cũng vinh dự là một trong 50 gương sáng thầm lặng vì cộng đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2020. Cơ sở do chị làm chủ đã được tổ chức phi chính phủ Thriive (Mỹ) ủng hộ, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất than sạch không khói.
Hợp tác xã cũng vinh dự là một trong 29 đơn vị được nhận gói hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) dành cho "các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19". Đây là sự ghi nhận, khẳng định những đóng góp quan trọng về lao động - việc làm dành cho người khuyết tật của chị Đinh Thị Quỳnh Nga cùng tập thể Hợp tác xã Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng trong suốt những năm qua. Như thế, ước mơ của những người không đầu hàng số phận đã thành hiện thực, lan tỏa.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)