Nếu không được báo trước, người ta dễ nhầm lẫn thầy Tâm với một ông nông dân chính hiệu ở Tây Ninh. Đó là một người đàn ông vóc người nhỏ nhắn, da đen cháy, đôi chân trần như đôi gỗ lũa hiếm khi nào xỏ giày dép. Thoạt gặp, nụ cười như trẻ thơ của ông có thể đánh tan mọi e ngại buổi đầu nhưng phải trò chuyện một lúc, người ta mới có cảm giác đang đối diện với một... ông thầy!
Thầy Phan Công Tâm
Không có tiền thì thầy miễn phí, nuôi cơm
Vậy mà, suốt từ năm 1988, ông đã làm công việc "truyền chữ" cho rất nhiều học trò, ở nhiều độ tuổi. Tính tới nay, danh sách học trò của ông đã vượt quá con số ngàn. Nhiều người trong số đó đã thành danh. Một đời dạy học, bấy nhiêu chắc cũng đủ để người làm thầy mãn nguyện.
Hình ảnh ông thầy cầm quyển sách dí sát vào một bên mắt để đọc, gần như không còn lạ gì với nhiều lớp học trò tại nhà ông. Đôi mắt của ông bị cườm nước bẩm sinh. Năm 14 tuổi, cậu học trò tên Phan Công Tâm tưởng bị vĩnh viễn mù lòa vì căn bệnh quái ác, lúc đó ở Việt Nam chưa có điều kiện chữa trị. Hay tin, bà con mỗi người một ít gom góp tiền cho ông đi mổ mắt ở nước ngoài. Tuy vậy, thị lực của ông vẫn còn quá yếu. Nhưng còn thấy ánh sáng là còn học được! Ông say sưa đọc tất cả những gì gọi là sách, là chữ…
Ông tự học. Vừa học chương trình đại học sư phạm qua tài liệu của bạn, ông vừa học lớp Đông y do Hội Y học Dân tộc cổ truyền huyện mở. Có lẽ vì khiếm khuyết về thị lực mà trí nhớ của ông thật tuyệt vời. Nhờ vậy, biết bao nhiêu học trò đã trầm trồ thán phục khi "hỏi chuyện gì thầy cũng biết". Ông dạy từ tiểu học đến... luyện thi đại học, dạy Anh văn và dạy vi tính.
Có người nhẩm tính, với số lượng học viên đông như vậy, hẳn ông thầy đã phải rất... giàu. Bởi vậy, họ ngạc nhiên khi nhiều năm qua, gặp lại vẫn thấy ông thầy đi chiếc xe gắn máy đã nát, mặc bộ quần áo cũ và hiếm khi gặp ông xỏ đôi dép tử tế. Theo lời giới thiệu của ông, học phí ở đây cũng giống các nơi khác, nhưng nếu học viên "có bao nhiêu cứ đóng bấy nhiêu. Nếu thấy khó quá thì thầy giảm, nếu khó nữa thì miễn phí, mà khó quá thì thầy… nuôi luôn!" - tức sẽ trợ cấp cho gia đình học viên đó, sau khi khảo sát thực tế.
Lấy tình thương mà đối đãi
Đã có nhiều phụ huynh tới gửi con ăn học tại nhà ông. Ban ngày các em đi học ở trường phổ thông, tối về học thêm ngoại ngữ, tin học. Các em được hướng dẫn cách học tập, được hướng dẫn kỹ năng sống thông qua những sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Phần lớn những trường hợp này đều có gia cảnh khó khăn, cha mẹ đi làm xa và phần lớn các em thuộc diện "học sinh cá biệt": quậy phá ở gia đình, bất hợp tác với thầy cô. Điều lạ là, khi đến với thầy rồi, các em đều có sự thay đổi. "Mỗi một học sinh là một con người. Tôi chỉ lấy tình thương giữa người và người mà đối đãi, mong truyền cho các em một chút hơi ấm để các em đủ sức bước tới chứ không có bí quyết gì".
Hễ có người bệnh nghèo ở đâu là những người quen biết lại điện thoại cho ông. Đem thuốc tới cho người bệnh đã đành, nếu gia cảnh họ quá khó khăn, ông sẽ tìm cách trợ giúp cho qua cơn ngặt nghèo. Thu nhập của ông từ nghề dạy học và thi thoảng nhận dịch tài liệu hay phiên dịch cho vài đoàn khách về tham quan Tây Ninh, hầu hết ông đều dành cho việc từ thiện. Bữa cơm của ông thường chỉ có cơm và một món thức ăn chay, có khi là tàu hũ kho, rau luộc hay đơn giản chỉ là một trái chuối chín. Với ông, như vậy là đủ.
Ông nói: "Tôi mắc nợ bà con một đôi mắt. Tôi nhận được tình thương từ nhiều người quá, nên giờ tôi phải cố gắng làm việc bằng tất cả khả năng của mình để trả ơn đời".
Chị Đặng Mỹ Duyên thăm các học sinh khó khăn
Tỏa sáng lòng nhân ái
Đồng hành với thầy Tâm trên những ngả đường thiện nguyện là một nhà văn nữ, chị Đặng Mỹ Duyên, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, ngụ tại thị xã Hòa Thành.
Từ năm 2008, Mỹ Duyên cùng ông Phan Công Tâm bắt đầu những công việc thiện nguyện, làm cầu nối cho những người dân nghèo, gặp khó khăn có cơ hội thay đổi cuộc sống. Từng là một cô giáo, một nhà văn, với trái tim nhân hậu và được sự hỗ trợ tích cực của gia đình, người thân, hành trình thiện nguyện của Mỹ Duyên cũng gặp không ít khó khăn, song cô và những người bạn đồng hành đều đã vượt qua.
Gương mặt phúc hậu, phong thái hiền lành, Mỹ Duyên luôn đem đến cho người tiếp xúc sự tin cậy. Càng tin cậy hơn khi chị cứ tất bật với bộn bề việc nhà mà vẫn không quên những cảnh đời khốn khó. Người dân địa phương luôn nhớ đến chị với sự tận tâm chăm lo cho các bé bị nhiễm HIV. Nếu không có lòng nhân, không yêu thương con trẻ, sẽ không thể làm được việc này.
Trường hợp đầu tiên là ở Bến Sỏi (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Hai vợ chồng trẻ chết vì AIDS trong vòng một tháng, bỏ lại 3 đứa con. Một tháng sau bé lớn cũng chết. Hai bé còn lại sống với bà ngoại, điều kiện ăn ở sinh hoạt vô cùng khó khăn. Tình cờ biết được qua một chuyến tặng quà từ thiện cuối năm, thế là Mỹ Duyên đã đến tận nhà. Chị nỗ lực vận động, thuyết phục bà con lối xóm và nhờ cơ quan truyền thông giúp sức để gia đình vượt qua khó khăn, các bé được chữa bệnh và được đến trường.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, hai em bé ngày nào nay đã lớn, đều học xong THPT. Nhiều người dân địa phương nói, nếu không có cô Mỹ Duyên và những nhà hảo tâm, những bàn tay nâng đỡ, hai cô bé ngày nào không thể được đến trường, sẽ lại có cuộc sống lầm than, không có tương lai.
Chị Đặng Mỹ Duyên và bé T. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hồi sinh một số phận buồn
Tuy nhiên, chị Mỹ Duyên đã gặp một trường hợp khó hơn là bé Trần Thanh T.. Chị gặp bé lúc bé 4 tuổi, bị suy dinh dưỡng nặng đến mức không thể tự đi đứng được. Bé còn bị bệnh tim, phổi và đủ thứ bệnh lặt vặt khác. Mẹ bé nhiễm HIV và đã qua đời sau khi sinh bé. Ba của bé là người bị khờ, không biết chữ, không biết chạy xe đạp, đi lang thang ai kêu gì làm đó, sau đó cũng qua đời vì AIDS. Bé T. ở với bà nội trong một cái lều lụp xụp gần xã Long Thành Nam (thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).
Hằng ngày, bà nội ẵm bé đi lang thang bán vé số và xin tiền. Thấy hoàn cảnh và bệnh tật của đứa trẻ, nhiều người cũng mua vé giúp. Nhưng bà nội chẳng dành dụm được cái gì bởi vì bà nghiện thuốc lá và nợ nần tứ phía. Mỹ Duyên kể: "Tôi thuyết phục bà nội bé để tôi đưa bé đi chữa bệnh. Vì bà không thể chăm sóc tốt cho bé, nên bệnh viện yêu cầu tôi đứng ra làm người bảo lãnh cho bé được uống thuốc thường xuyên... Cũng may sau 3 năm, sức khỏe của bé cải thiện nhiều, bé đi lại cứng cáp hơn, da thịt hồng hào hơn, chúng tôi đã có thể gửi bé vào trung tâm bảo trợ xã hội. Nay bé T. đã 13 tuổi, xinh xắn, khỏe mạnh".
Còn khá nhiều trường hợp khác liên quan đến phụ nữ trẻ em, như các bé khó khăn không tiền chữa bệnh, các bé không được đến trường hoặc bị lạm dụng tình dục, mang thai ngoài ý muốn..., đều được Mỹ Duyên và những nhà hảo tâm, những người hết lòng làm việc thiện xúm tay vào giúp đỡ. Từng thời điểm, từng hoàn cảnh đều được cả nhóm hỗ trợ, giải quyết ổn thỏa, đem lại niềm vui cho gia đình và sự tự tin cho những trường hợp được giúp đỡ.
Ngoài cái tâm, còn rất cần kiến thức
Hỏi Mỹ Duyên đâu là điều cần thiết nhất đối với người làm công việc thiện nguyện, chị nói rằng nên làm từ thiện không phải chỉ bằng cái tâm mà còn phải có kiến thức thì hiệu quả sẽ cao hơn. "Tôi may mắn khi những kiến thức tôi được học qua ngành sư phạm, truyền thông, y tế, công tác xã hội... đã giúp tôi rất nhiều trong công việc giúp đỡ người khác. Đã được học, hiểu, có kiến thức thì hãy đem những gì mình biết được ra phụng sự xã hội" - Mỹ Duyên nói.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)