Sống ở Thụy Sĩ, tôi trăn trở rất nhiều về nông nghiệp nước nhà. Tôi thực sự thấy tiếc vì dường như nông nghiệp ở Việt Nam là một "mỏ vàng" chưa khai thác được nhiều. Tất nhiên, làm nông không đơn giản vì ngoài sự cần cù, chăm chỉ còn cần rất nhiều yếu tố khác mới đem lại thành quả.
Từ củ khoai lang Nhật...
Một lần trò chuyện với anh San "khoai lang" - một kiến trúc sư cảnh quan có tiếng - tôi đã được nghe chuyện anh mang giống khoai Nhật về trồng ở Việt Nam rồi xuất sang nước này thế nào.
Anh San cho biết việc trồng khoai lang thì đơn giản nhưng đến khi thu hoạch, người Nhật đưa sang những chiếc hộp giấy được chia sẵn thành 6 hoặc 9 ngăn. Họ yêu cầu nếu củ khoai nằm gọn trong những ngăn hộp đó và đạt trọng lượng thì sẽ được nghiệm thu và xuất sang Nhật.
Số khoai còn lại, kể cả củ to hơn, họ cũng không lấy. Lý do khá bất ngờ: Không phải vì hình thức đẹp xấu mà bởi người Nhật đã tính toán với loại khoai này, nếu kích thước đúng như vậy sẽ cho một lượng chất dinh dưỡng đủ cho mỗi người một bữa.
Như thế, khi mua hộp khoai 6 hoặc 9 củ về, người nội trợ có thể chế biến chính xác cho khẩu phần ăn của những người trong nhà, không dư mà cũng không thiếu. Không có chuyện thức ăn dùng không hết phải bỏ hoặc để qua bữa sau sẽ mất chất dinh dưỡng. Những bác nông dân "chân lấm tay bùn" không thể tính toán được tới mức đó.
... Đến mô hình cho thuê vườn trồng rau
Anh San "khoai lang’’ có gần 3 ha đất ở khu Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP HCM nhưng không dùng để làm dự án căn hộ hay trung tâm thương mại. Anh đem phân lô 3 ha đất đó nhưng không bán nền mà cho thuê để người thành phố có chỗ… trồng rau!
Mô hình này khá giống với mô hình thuê vườn trồng rau ở Thụy Sĩ, nơi tôi đang sống. Ở Thụy Sĩ, khu vực trung tâm thành phố, khu hành chính chỉ được quy hoạch làm nhà ở, văn phòng làm việc, khu mua sắm, giải trí và rất nhiều công viên. Ở trung tâm thành phố, cực kỳ hiếm nhà nào có vườn rộng cả trăm mét vuông. Để đáp ứng nhu cầu có mảnh vườn riêng trồng rau, hoa và ít cây ăn trái, người ta phân ra những khu vườn cho thuê ở khu vực ngoại ô.
Hình thức thuê đất này có khi lên tới vài chục năm và có thể chuyển nhượng từ người này sang người khác. Khu vườn thuê chỉ được dùng trồng rau, làm vườn cây chứ không phải để ở. Người thuê được phép dựng căn lán nhỏ bằng gỗ hoặc vật liệu nhẹ để sử dụng khi ra chăm vườn. Tôi thường đạp xe ngang khu vực này vào mùa hè, thấy những bộ bàn ghế sơn xanh, vàng được kê ngoài vườn. Những "bác nông dân - thành thị’’ thường ngồi ngắm thành quả của mình. Cuộc sống thật là thảnh thơi.
Tác giả trong chuyến thăm Làng Nhỏ ở Khánh Hòa
Tôi rất mừng khi sau một thời gian sắp xếp nguồn lực, anh San đã mang mô hình cho thuê vườn rau đã làm khá thành công ở Thảo Điền ra Làng Nhỏ ở Diên Khánh - cách TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hơn 20 km. Đây vốn là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Song, mấy năm gần đây, rất nhiều người đã đến Diên Khánh mua đất nông nghiệp chỉ với mục đích chờ lên giá để bán.
Anh San sở hữu một khu vực thung lũng lòng chảo ở Diên Khánh với một hồ nước và những ngọn núi bao xung quanh. Địa thế này đúng chuẩn "tọa sơn hướng thủy" nhưng anh không làm dự án xây villa nghỉ dưỡng bán cho giới nhà giàu mà làm nông nghiệp sạch. Anh tiếp tục thực hiện mô hình cho thuê vườn trồng rau.
Với lợi thế có nguồn nhân công tương đối dồi dào, giá thành không quá cao, khách hàng thuê vườn rau của anh San còn được bao luôn phần gieo trồng và chăm sóc. Người thuê chỉ việc thu hoạch, thậm chí nếu quá bận thì còn được chủ đất thu hoạch rồi giao tới tận nhà. Mô hình thưởng thức rau, củ sạch, 100% bio, "nhà trồng được’’ khó thể nhàn nhã và kinh tế hơn.
Khu canh tác nông nghiệp sạch trong khu du lịch sinh thái Làng Nhỏ (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) (Ảnh do tác giả cung cấp)
Có thể làm giàu và giàu bền vững
Ở Việt Nam, có vẻ như định kiến xem việc làm nông chỉ dành cho những người "chân lấm tay bùn" vẫn chưa thay đổi. Những người học hành cao, thoát ly nông thôn ra thành thị rất ít ai mang kiến thức học được trở lại làng quê để đầu tư vào nông nghiệp. Phải chăng chúng ta ít nhiều vẫn suy nghĩ rằng làm nông, kể cả có giàu cũng không sang?
Từ khi có dịp sang châu Âu - Anh là nước đầu tiên rồi đến Thụy Sĩ, tôi nhận ra rằng những người làm nông ở đây có nền tảng kiến thức rất sâu rộng và họ rất tự hào với công việc và thành quả của mình. Họ không chỉ biết áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào nông nghiệp mà còn sử dụng cực kỳ hiệu quả đòn bẩy tài chính.
Cũng ở châu Âu, lần đầu tôi biết đến khái niệm bảo hiểm mùa màng. Gia đình tôi đang sống ở Basel, một trong những khu vực nổi tiếng nhất của Thụy Sĩ về trồng anh đào ăn trái. Mỗi dịp xuân về, đi vào những khu rừng trồng anh đào ăn trái, tôi như bước vào một giấc mơ với cả rừng hoa trắng muốt trải dài đến tận đường chân trời xanh biếc. Năm nào tôi cũng đến chụp ảnh ở những rừng anh đào này như một nghi thức đón mùa xuân.
Năm nọ, một đợt sương giá bất ngờ ập đến, thậm chí còn có tuyết rơi vào giữa tháng 4. Những nụ hoa anh đào trên cành vì thế đen sậm, bị teo đi. Sau đó, tình cờ tôi gặp và trò chuyện với một chủ vườn. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi chia sẻ nỗi lo lắng của mình về vụ mùa thất bát nhưng ông vẫn cười khà khà: "Đúng là đáng tiếc vì thời tiết năm nay khiến vụ mùa không như ý. Tuy nhiên, chúng tôi mua bảo hiểm hết rồi nên không lo về chuyện thu nhập’’.
Đó là một trong những chuyện khiến tôi kinh ngạc về kiến thức và cách áp dụng kiến thức vào nông nghiệp ở Thụy Sĩ. Làm nông ở Thụy Sĩ không những có thể làm giàu mà còn giàu bền vững là vậy...
Tôi thực sự mong muốn mô hình nông nghiệp của anh San tiếp tục thành công, như việc anh đã thành công khi mang giống khoai lang Nhật về trồng ở Việt Nam rồi xuất sang nước này. Tôi hình dung rằng nếu việc làm nông như anh San thành công ở Việt Nam, tương lai sẽ hình thành nên một lớp nhà giàu mới, không phải từ buôn bán bất động sản hay chơi chứng khoán, mà là từ việc trồng cây trái…
Không cần xuất khẩu nông sản
Thụy Sĩ được người nước ngoài biết tới là một đất nước giàu có bởi những dịch vụ tài chính đẳng cấp, những khu du lịch cao cấp... Bên cạnh đó, Thụy Sĩ còn là một đất nước có nền nông nghiệp rất hiện đại, đem lại nguồn thu chính cho phần lớn dân số là người dân bản xứ.
Khi đến sống ở Thụy Sĩ, tôi mới nhận thấy rằng không phải cứ sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu thì có giá cao hơn sản phẩm nội địa. Điều thú vị là nông sản ở đây không cần xuất khẩu vì không đủ đáp ứng cho nhu cầu nội địa.
Bình luận (0)