Ngày Tết Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Trong câu chuyện của người dân ở thôn Hà Liệt (xã Long Hiệp, huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi), đồng bào dân tộc H’rê vui vì năm qua, trong đại dịch Covid-19, mọi người đã thể hiện được chút nghĩa, chút tình.
Dù khó khăn vẫn phải có Tết
Tín hiệu mùa xuân về ở thôn Hà Liệt là khi hoa lau nở trắng xóa hai bên con đường đi vào thôn và cả đường lên rẫy. Cái giá rét lạnh lẽo cũng nhường bước cho tiết trời đang ấm dần lên.
Anh Đinh Văn Luôn được xem là "người biết nhiều chuyện" ở thôn Hà Liệt, nói với chúng tôi: "Đồng bào dân tộc H’rê trước đây chỉ đón Tết của dân tộc mình vào tháng 3, sau khi thu hoạch lúa. Nhưng bây giờ thì đồng bào cũng chung vui đón Tết Nguyên đán với người Kinh".
Để chuẩn bị cho ngày Tết, đồng bào hái lá dong về làm bánh nếp, nấu xôi, ngâm ủ rượu cần. Nhiều người rủ nhau đi chợ huyện, mua bánh trái của người Kinh dưới xuôi mang lên, mua cả quần áo mới cho đám trẻ con. Có người còn vượt đồi núi qua tận làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) mua tấm thổ cẩm để chưng diện khi Tết đến xuân về.
Ngày Tết, sau khi cúng Giàng, những người già đi thăm nhau, trò chuyện. Lũ trai trẻ thì đến nhà nhau chơi, uống rượu thổi kèn, đánh đàn và hát điệu ta-lêu gợi tình.
Cơn bão số 9 năm 2020 làm nhiều rẫy trồng cây keo của bà con chưa đến tuổi khai thác đã bị ngã đổ, nên năm rồi không có nguồn thu nhưng phải tốn tiền mua giống, mua phân trồng lại. Thêm vào đó, dịch Covid-19 quái ác dù không đến thôn này nhưng kéo dài ở nhiều nơi, nên người Hà Liệt không thể về các huyện vùng đồng bằng hoặc lên Gia Lai, Kon Tum để chăm bón, hái cà phê thuê được. Chỉ quanh quẩn ở nhà thì không có nhiều tiền để đón Tết thong thả như mọi năm.
"Chuyện khó khăn là có thật. Nhưng không phải khó mà không có Tết đâu" - anh Đinh Văn Com, một người dân trong thôn, nói.
Rồi anh Com tiếp: "Nếu như mọi năm trước, đồng bào ở đây bán gỗ keo, đi làm thuê được thì Tết đến xuân về, người người đều có áo mới. Còn Tết năm nay khó khăn thì mua áo mới cho lũ trẻ, còn người lớn thì hẹn năm sau. Riêng món rượu cần, như mọi năm thì ngâm ủ bằng cơm nếp, năm nay nhà khó khăn thì dùng củ mì thay nếp vậy. Còn bánh lá dong mọi năm làm nhiều thì năm nay ít hơn nhưng cũng phải đủ để đãi khách. Riêng nhà ai trong năm có tang, đưa ma, chưa kịp ăn Tết thì phải cố gắng làm cho nhiều để ngày Tết mang bánh trái ra mộ của nó cúng cho ma ăn Tết. Sau lần cúng này, nó làm thì nó ăn, mình làm thì mình ăn, không cúng nữa".
"Còn chuyện ngày Tết đến, đồng bào ghé thăm nhau, nói chuyện làm ăn, chuyện ngày mùa và cũng để những đôi bạn trẻ gặp nhau tình tự thì năm khó cũng như năm làm ăn thong thả, Tết nào mà chẳng có" - anh Com bộc bạch.
"Nó giúp mình thì mình phải giúp nó"
Trong câu chuyện mùa xuân, anh Luôn, anh Com và nhiều người nữa đều cười vui rồi lắc đầu, nói: "TP HCM à? Không biết nơi đó đâu. Mình chỉ quanh năm suốt tháng ra đồng, lên rẫy. Lũ thanh niên trai tráng năng động nhất làng thì giỏi lắm cũng xuống đồng bằng hoặc ngược đường lên Kon Tum hái cà phê thuê thôi".
Chưa ai ở Hà Liệt từng đặt chân đến TP HCM, chỉ thấy trên truyền hình thông tin ở đó bị dịch Covid-19 nặng lắm, chết rất nhiều người. Bà con nói với nhau là "thương lắm, người mình cả đấy".
Xóm nhà đồng bào dân tộc H’rê ở thôn Hà Liệt
Xếp những lọ thịt heo bỏ mắm thể hiện tình cảm của bà con dân tộc H’rê với đồng bào ở TP HCM
Chị em Hội Phụ nữ huyện Minh Long và xã Long Hiệp chế biến thịt bỏ mắm, cá nướng gửi tặng bà con vùng dịch ở TP HCM.
Rồi kể cho nhau nghe chuyện những năm trước, nhiều lần mưa lũ, sạt lở núi, có những đoàn cứu trợ ở TP HCM về tặng cho bà con gạo, nước mắm, dầu ăn, có đoàn còn cho tiền nữa. Giờ nghe TP HCM nhiều người bị dịch bệnh mà thương.
Những người già trong thôn đã bàn bạc cùng nhau là nên quyên góp giúp đồng bào vùng dịch, bởi "nó giúp mình thì mình phải giúp nó". Nhưng nghiệt nỗi, bà con nơi đây nghèo khó, chỉ có những vật phẩm như nải chuối, mớ rau rừng liệu có thành quà tặng được không?
Thế rồi, khi nghe trưởng thôn và cán bộ mặt trận, chị em phụ nữ nói rõ ở TP HCM đang có nhiều lao động tự do, công nhân khó khăn do giãn cách xã hội và nhiều nhà máy phải ngưng hoạt động, cả thôn Hà Liệt chẳng ai bảo ai, tất cả mang gùi lên rẫy bẻ những cành chè tươi đem ra suối rửa sạch, rồi chặt tre non chẻ lạt bó thành lọn bán cho tư thương lấy tiền gửi về ủng hộ bà con ở TP HCM.
Chị Đinh Thị Măng kể: "Một lọn chè tươi bán được 7.000 đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng bẻ bán được đâu. Phải chờ cây tốt mới bẻ chứ. Mình cố gắng bẻ nhiều cành chè đem bán mới được 30.000 đồng để ủng hộ bà con vùng có dịch".
Những người không có chè để bẻ thì vào rừng hái măng, đi dọc các con suối hái rau dớn đem bán. Một số hộ nghèo neo đơn, thấy nhiều người ủng hộ cũng cố gắng kiếm cho được năm, ba ngàn đồng để góp với mọi người.
Những đồng tiền chắt chiu, gom góp của đồng bào dân tộc thôn Hà Liệt cùng với các thôn ở xã Long Hiệp được chuyển về xã, rồi hội phụ nữ xã cùng chị em trong hội phụ nữ huyện bàn bạc. Họ nhận định ở TP HCM thì không lo thiếu mì tôm và gạo, nên mình ở xa thì cần chọn những món hàng mang vào đó để được lâu mà không ôi thiu, chẳng hạn như món thịt heo bỏ mắm và cá nướng.
"Bàn bạc rồi chị em kéo nhau ra chợ huyện mua cá tươi, mua thịt heo. Những chị em bán buôn ở chợ biết mọi người mua nguyên liệu về chế biến ủng hộ bà con vùng có dịch ở TP HCM, thế là hẹn nhau góp thêm, nên mình vui lắm" - chị Đinh Thị Bó, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Hiệp, kể.
Thịt mua về, chị em xúm lại cùng nhau chế biến rồi bỏ vào lọ, phía bên ngoài có ghi lời thân tặng của bà con. Trong lúc chế biến những món ăn, câu chuyện về dịch Covid-19 bùng phát ở TP HCM được chị em bàn tán rất nhiều. Tất cả đều cầu mong dịch bệnh lắng xuống để người dân TP HCM được bình yên.
Từ chuyện về dịch bệnh, bà con lại kể những chuyện về người TP HCM, về những đoàn cứu trợ từ TP HCM từng mang quà về tặng đồng bào năm nào đó. Rồi dịp Tết đến xuân về, các đơn vị của tỉnh phối hợp với một số cơ quan, đơn vị ở TP HCM tổ chức chương trình "Cây mùa xuân" cho trẻ em nghèo đồng bào dân tộc H’rê.
TP HCM xa lắm. Người dân thôn Hà Liệt biết bao giờ mới có dịp đến đó ngắm phố phường. Nhưng trong lòng người dân Hà Liệt, người dân TP HCM và đồng bào dân tộc H’rê thật gần gũi, mến thương và nghĩa tình.
Bình luận (0)