xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tụ Quần Cư: Một cuộc bể dâu

Bài và ảnh: Lữ Khách

Tuy chưa xác định rõ ràng nhưng theo kết cấu kiến trúc cũng như đồ vật còn lại, có thể phỏng đoán Tụ Quần Cư thành lập vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950

Tình cờ đi qua khu vực chợ Thiếc (quận 11, TP HCM), tôi rất đỗi ngạc nhiên khi biết nơi đây có một cộng đồng nhỏ bé thề nguyện không lấy chồng. Quần thể yếu ớt này như một hóa thạch sống, ghi lại những nét thăng trầm của người Hoa tha hương. Chợt nghĩ nếu không kịp ghi lại vài dòng, rất có thể dòng sông lịch sử sẽ cuốn trôi một trong những điều thú vị của TP này.

Phiêu giạt qua trời Nam

Gần chợ Thiếc, nơi tập trung sinh sống của hầu hết người Hoa, có một làng nghề đan cần xé truyền thống mà dân nơi đây quen gọi là Chức La thôn (thôn đan cần xé). Ngày nay, làng chỉ còn dấu vết là tụ điểm bán đồ tre đan lát ở đường Trần Quý (phường 6, quận 11). Những người từng sống ở Chức La thôn chính là "tàn dư" cuối cùng của gái "tự búi tóc" từ Trung Quốc phiêu giạt qua trời Nam.

Nhà số 150 Trần Quý có tên là Tụ Quần Cư, dân tình thường gọi nôm na là "nhà bà cô". Trên số nhà gắn biển "công trình nhân đạo" của Hội Chữ thập đỏ quận 11 và phường 6. Mặt tiền nhà rộng chừng 3,5 m ám khói đã được tận dụng làm nơi bán đồ lặt vặt, cà phê và bún thịt nướng. Bún thịt nướng ở đây chỉ 15.000 đồng/phần, rất rẻ nhưng vẫn vắng khách. Từ khi có chủ trương thông thoáng lòng lề đường, căn nhà vốn chật hẹp càng trở nên ngột ngạt.

Tiếp chuyện tôi là bà Lương Thúy Quần, 82 tuổi, là người ít tuổi nhất trong số 6 cụ còn sống lay lắt ở Tụ Quần Cư. Với tiếng Việt lơ lớ, bà kể những chuyện xưa tích cũ trong ngôi nhà rêu phong này, như cuốn từ điển sống.

Bà kể vào những năm 1930, theo dòng người "Nam tiến" của gái "tự búi tóc" ở đồng bằng Châu Giang (Trung Quốc), một nhóm "má chế" đã phiêu giạt tới Sài Gòn - Chợ Lớn, giúp việc cho những gia đình giàu có.

Gái "tự búi tóc" là nhóm phụ nữ muốn thoát khỏi lễ giáo phong kiến Trung Quốc vốn rất hà khắc đối với phụ nữ, bị nhà chồng ngược đãi, họ đã ăn chay trường, thề nguyền không lấy chồng rồi tự búi tóc làm tiêu chí. Họ đều hết mực trung thành với gia chủ, làm một lèo mấy chục năm chẳng bao giờ bỏ ngang. Đổi lại, họ được gia chủ chăm lo khi tuổi già hoặc nuôi ở các viện dưỡng lão. Rất nhiều bà cô có tính toán riêng nên cùng chị em đồng cảnh ngộ gom góp tiền tiết kiệm, hùn nhau mua căn nhà trên làm nơi nương thân.

Tuy chưa xác định được niên phận rõ ràng nhưng theo kết cấu kiến trúc cũng như đồ vật còn lại, có thể phỏng đoán Tụ Quần Cư thành lập vào cuối những năm 1940, đầu những năm 1950. Phòng ốc kiến trúc kiểu Pháp pha trộn phong cách Quảng Đông (Trung Quốc); tường gạch đinh xây vữa.

Theo bà Lương Thúy Quần, những bà cô sáng lập Tụ Quần Cư đến từ "Miệng giếng"(ngã tư Tản Đà - Tân Hàng, quận 5). Họ đã mua căn nhà sâu 18 m cạnh một trường học lúc bấy giờ có tên là Sùng Chính. Về sau lại thêm một số bà cô tham gia, tăng thêm vốn nên họ mua thêm căn nhà 150 Trần Quý và đục thông 2 căn, thành nhà 2 mặt phố. Do các bà cô không rành tiếng Việt, lại qua nhiều lần đổi chủ nên phần đuôi nhà có thay đổi, chỉ còn phần mặt tiền phía đường Trần Quý là nguyên vẹn. Nhưng nếu xét về mặt lịch sử hình thành, phần đuôi nhà có giá trị bảo tồn hơn.

Chứng tích biết nói

Một lớp người đã qua đi, những người ở Tụ Quần Cư hiện nay đều dọn vào ở từ sau ngày đất nước giải phóng. Họ tiếp tục giữ nguyên trạng các đồ vật tuy giá trị chẳng đáng là bao. Dù vậy, tất cả đều chan chứa dư vị của thời gian.

Khi tôi đến thăm, có 2 bà đang nằm viện, một bà bị ốm liệt giường, còn 3 bà lo cơm nước và bán hàng, đúng là "lá lành đùm lá rách". Ngoài nguồn thu ít ỏi từ bán hàng, họ phải dựa vào nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm để sống.

Các bà cô đều theo phái Tiên thiên, là phái có giới luật nghiêm nhất trong các phái Đạo giáo, tuyệt đối ăn chay trường và cấm kết hôn, hợp với tôn chỉ gái "tự búi tóc". Đạo giáo thờ đa thần, chủ trương "Tam giáo hợp nhất", trên bàn thờ có cả Thích, Đạo, Nho, nên các gái "tự búi tóc" vẫn thờ đức Quan Thế Âm, không bị coi là vi phạm. Họ thường mặc áo thụng đen truyền thống, tham gia hoạt động pháp sự, thờ Thái ất Chân nhân, được gọi là "đội áo đen".

Bước vào Tụ Quần Cư, ngay chính diện là Phật đường, thờ đức Quan Thế Âm, là nơi niệm phật hằng ngày của các cô; bên trái là bài vị Quan Công có cặp mắt sáng khác thường, bên phải là thần chủ các vong. Tượng Quan Âm ở đây tính đã được 70 năm, chưa tân trang nên vẫn giữ nét cổ kính ban đầu.

Ngoài chiếc tivi được quyên tặng, Tụ Quần Cư không có phương tiện điện gia dụng hiện đại nào khác. Đồ đạc trong nhà cũng hết sức nặng nề, chiếc bàn vuông phải chừng vài người đàn ông lực lưỡng mới khiêng nổi, có thể làm từ gỗ quý giá trị không nhỏ nhưng các cô không rõ lắm. Giường lớn được ghép từ 3 hoặc 5 tấm ván, kê trên 2 thang giường, không được dùng 4 tấm, vì "4 tấm" trong tiếng Quảng Đông có nghĩa là "quan tài".

Tôi leo lên tầng lửng là nơi chứa đồ cũ, tất cả đều phủ lớp bụi dày. Khi bật ngọn đèn vàng hiu hắt, tôi thấy những đồ dùng đáng lẽ đã phải đi vào bảo tàng như ghế đẩu ngồi giặt đồ, ghế mây hóng mát, niêu đất, liễn đựng cơm bằng men xanh (cảnh thái lam), chén đá, sọt tre, đòn gánh... tất cả còn nguyên vẹn, xếp thành đống; đầu giường còn có chiếc vali tre mà tôi chỉ thấy trong phim ảnh. Không món nào dưới 50 tuổi.

Bà Quần cho biết các cô không có thói quen bán lạc xoong nên tất cả đồ dùng báo phế đều được giữ nguyên trạng. Tôi nghĩ nếu đạo diễn Jean-Jacques Annaud làm phim "Người tình" tập 2, đến đây chọn đạo cụ chắc không thiếu thứ gì.

Tôi tò mò xem rương quần áo của các cô, thấy trong đó có rất nhiều thỏi pháo chuột. Thấy tôi ngạc nhiên, bà Quần giải thích vì trước đây băng phiến rất mắc, các cô bảo quản bằng pháo, hiệu quả như nhau lại ít tốn chi phí. Bà Quần dẫn tiếp tôi coi hũ gạo. Khi các cô còn khỏe thì "đèn nhà ai nhà nấy rạng", mỗi người một bếp riêng, gạo ăn lâu mới hết nên để chống ẩm, cứ mỗi hũ gạo sẽ được các cô gói một cục than củi bỏ vào. Trước đây tôi chỉ nghe nói, giờ là lần đầu tiên thấy cuộc sống tằn tiện của các bà.

Tụ Quần Cư: Một cuộc bể dâu - Ảnh 1.

Các cô ở Tụ Quần Cư kể về những chuyện xưa tích cũ

Dấu chân cuối cùng

Ngoài "nhà bà cô" chuyên nghiệp nói trên, ở Chợ Lớn còn nhiều viện dưỡng lão cũng từng in dấu chân "bà cô". Nổi tiếng nhất là Khánh Vân Nam Viện ở đường Nguyễn Thị Nhỏ (phường 4, quận 11). Các gái "tự búi tóc" phải tích cóp được một số tiền rồi mua sẵn chỗ ở Nam Viện, có trường hợp là giới chủ mua hộ.

Khánh Vân Nam Viện là một đạo quán theo phái Toàn chân, thờ Vương Trùng Dương và Lữ tổ. Viện dưỡng lão được gọi là "Tu ẩn các", lúc cao nhất có 70 người già neo đơn mà 90% là gái "tự búi tóc". Theo trụ trì Nam Viên Châu Viêm giới thiệu, gái "tự búi tóc" cuối cùng ở đây là cô Bội, qua đời năm 2010 ở tuổi 92, nay chỉ còn hơn 20 cụ, là viện dưỡng lão từ thiện thuần túy, không phải "bà cô".

Trên lầu nhà tang lễ Quảng Đông (đường Trần Phú, quận 5, TP HCM) từng là viện dưỡng lão, thu dung nhiều cô "tự búi tóc", năm 1993 bị giải thể, các cô "tự búi tóc" tứ tán, đa số về các đạo quán.

Các "nhà bà cô" tương tự gần Tụ Quần Cư còn có Nhất Đắc Đường và Hợp Thành Đường, hiện đã giải tán do chủ bán nhà, ở Chợ Lớn còn có Tái Trân Đường, Thủ Trân Đường...

Danh học Hoàng Hiến Bình kể cách đây 30 năm, ông từng cùng người bạn đến Phổ Thắng Đường (số 93 Calmette, quận 1, TP HCM) thấy có rất nhiều "bà cô" lui tới. Khi tôi lần đến địa chỉ trên thì đây đã thành cửa hàng bách hóa. Hỏi người Hoa lân cận thì chẳng ai nhớ rõ, chỉ kể lại là đường Calmette từng có nhiều gái "tự búi tóc" sống bằng nghề bán chỉ màu.

Xét theo tiêu chí nghiêm ngặt, gái "tự búi tóc" phải thỏa mãn 2 điều kiện: Làm nghi thức thề nguyện công khai và có nghề tự nuôi sống mình, các "bà cô" ở Tụ Quần Cư thì không đáp ứng được những điều kiện đó.

Không người kế tục

Từ quá khứ trở về hiện thực, đứng trước Tụ Quần Cư, tôi rất băn khoăn vì 6 cụ còn lại rồi cũng sẽ ra đi, dấu vết cuối cùng của "bà cô" sẽ bị xóa sổ vì không người kế tục. Dù có đứng ra kêu gọi, chắc cũng chẳng ai chịu đứng ra bảo tồn nét văn hóa của quần thể yếu thế này. Vì không có chuẩn bị trước nên tôi dốc hầu bao ủng hộ họ, được lại quả một bao lì xì có chữ "Phật lực độ trì". Tuy chẳng đáng là bao nhưng lòng tôi thanh thản. Khi về, tôi đề vịnh như sau: "Cớ sao thề nguyện tuyệt yêu đương?/ Phiêu giạt trời Nam chẳng vấn vương/Lữ khách phong trần đành đứng bước/ Cầm lòng chẳng đặng cảnh thê lương".


Theo các bậc kỳ lão Chợ Lớn kể lại, cô Ngọc (cách xưng hô tôn kính phụ nữ lớn tuổi chưa chồng), tên thật là Văn Ngọc Phương, mới là gái "tự búi tóc" cuối cùng. Cô bán chỉ màu ở cổng hội quán Ôn Lăng (chùa Bà) Chợ Lớn, đã qua đời ngày 28-6-2012 ở tuổi 90.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo