icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạy làng... cụm, tuyến dân cư!

Bài và ảnh: Hùng Anh

Năm 2001, Chính phủ quyết định đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng xây dựng trên 740 cụm, tuyến dân cư ở ĐBSCL để đưa khoảng 150.000 gia đình vào tránh lũ. Đến cuối tháng 6-2006, theo thống kê của Bộ Xây dựng, toàn vùng mới có hơn 58.600 gia đình chịu vào cụm, tuyến dân cư sinh sống

Vì sao Nhà nước bỏ tiền đầu tư nơi ăn chốn ở an toàn mà dân lại chê, kiên quyết bám trụ giữa đồng nước mênh mông, bất chấp nguy hiểm? Có đến các cụm, tuyến dân cư ở ĐBSCL mới biết được tại sao nhiều người dân không chịu vào đây. Xin nêu một trường hợp điển hình ở tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã, An Giang.

Sống cảnh “3 không”

Đã thành lệ, mùa nước nổi năm nào tôi cũng ghé qua Phú Lộc, xã địa đầu giáp giới Campuchia của huyện Tân Châu - An Giang. Trong những “tuyến đầu chống lũ” của ĐBSCL, có lẽ Phú Lộc là nơi nước tràn về sớm nhất. Từ đồng ruộng Campuchia (chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 3 km), nước tràn theo tuyến kênh Bảy Xã tấn công trực diện vào địa bàn 2 huyện Tân Châu, An Phú. Nước ngập sâu 3-4 m trên mặt ruộng là chuyện bình thường.

Từ năm 2001, tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã được xây dựng như là một thí điểm của phong trào cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL. Đến năm 2003, gần 1.000 gia đình ở những vùng ngập sâu đã được di dời vào định cư trong tuyến dân cư. Một con đường bê tông hoành tráng chạy suốt tuyến dân cư nối vào đường tỉnh lộ Tân Châu - Vĩnh Xương được xây dựng từ nguồn đóng góp của những hộ dân khá giả. Hệ thống cấp nước, đường dây điện trung thế mọc lên sừng sững, hiên ngang. Thoạt nhìn, tưởng đâu cư dân tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã đã an cư lạc nghiệp, nhưng thật ra họ đang là nạn nhân của nạn “đánh trống bỏ dùi”.

Theo ông Nguyễn Văn Xướng, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, trong tổng số gần 1.000 gia đình đang sinh sống trong tuyến dân cư này, chỉ khoảng 1/3 hộ có nước sạch, 1/2 hộ có nhà vệ sinh, được sử dụng điện lưới. Số còn lại sống cảnh “3 không”: không điện, không nước, không nhà vệ sinh suốt 3 năm qua. Họ ăn uống, tắm giặt bằng nước kênh rạch, tối thắp đèn dầu tù mù. Nhưng nỗi khổ tâm lớn nhất của hàng trăm gia đình tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã nằm ở khâu “giải quyết đầu ra”... “Không ai ngó ngàng đến dù UBND xã kêu cứu khắp nơi” - ông Xướng nói.

Hệ thống điện nước làm xong để... ngó chơi!

Ấp Phú Quý ở tuyến dân cư này có 345 gia đình. Cả 345 nhà phải sống cảnh “3 không” nhiều năm liền, trong khi trên đầu họ có một đường dây điện trung thế hoàn thành từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn... không có điện. Vì không có điện, tuyến đường ống và trạm bơm trong hệ thống cấp nước sạch đã xây dựng xong nhưng phải đóng cửa bỏ hoang, dân chúng tiếp tục xài nước kênh ô nhiễm. Nhiều cư dân tại đây “đổ thừa”: Vì không có điện, không có phương tiện vui chơi giải trí ban đêm nên cứ chạng vạng tối là các cặp vợ chồng rủ nhau vô mùng, vì thế chỉ 3 năm qua ấp đã có thêm đến 116 công dân!

img
Nhiều hộ dân nghèo vào cụm tuyến dân cư tránh lũ được an toàn nhưng đời sống cơ cực

Vì không có điện mà suốt 3 năm qua một chủ cơ sở sạc bình ắc-quy ở chợ Vĩnh Xương sáng sáng chịu khó chạy xe lôi vô ấp gom bình điện về châm a-xít và nạp điện, chiều mang giao tận nhà với giá 1.000 đồng/bình 6 vol và 2.000 đồng/bình 12 vol, làm giàu nhẹ nhàng. Và chính vì không có điện, không có nước nên hàng trăm gia đình nghèo tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã phải chấp nhận cảnh đi đồng “giải quyết đầu ra” dù Ngân hàng Chính sách xã hội lập dự án cho vay tiền xây nhà vệ sinh tự hoại. Ông Trần Quý Hóa ở ấp Phú Yên nói rằng, nhà vệ sinh thì cần thiết nhưng xây xong không có nước, phải làm sao? Vả lại, trong cảnh làm thuê làm mướn bữa đực bữa cái, cơm không đủ ăn thì vay tiền xây nhà vệ sinh rồi làm sao trả?

Chuyện tế nhị “giải quyết đầu ra” đã và đang là chuyện thời sự ở tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã. Gia đình của anh Trương Văn Bé Tư 4 người đùm túm nhau trong một căn nhà nhỏ xíu. Khi nghe tôi hỏi chuyện này, vợ chồng anh đỏ mặt ngại ngùng, thú thiệt: “Tháng mùa khô đợi trời tối ra đồng đào hố, “giải quyết” xong lấp lại. Nếu làm biếng thì lựa lúc vắng người chui đại vô một lùm cây nào đó. Tháng nước ngập mượn xuồng bơi ra đồng hoặc... nhảy ùm xuống kênh giả dạng tắm táp rồi “giải quyết” luôn một thể”. Những người dân ở tuyến dân cư bờ Đông kênh Bảy Xã nói vui rằng, 3 năm nay mấy trăm hộ dân không có nhà vệ sinh ở tuyến dân cư này đều... mắc bệnh tằng hắng. Bởi lẽ khi đi đồng “giải quyết đầu ra”, ai cũng phải vừa “hành sự” vừa đề cao cảnh giác, nghe tiếng người đi tới là phải lên tiếng tằng hắng để họ biết mà tránh!

Chủ trương xây dựng cụm, tuyến dân cư cho người dân tránh con nước dữ là hoàn toàn hợp tình hợp lý. Những mùa nước nổi trước đây, cư dân ĐBSCL không ai có thể quên hình ảnh những ngôi nhà chìm sâu trong biển nước, những chiếc quan tài treo giữa đồng nước mênh mông với ngọn đèn dầu leo lét... Từ khi có cụm, tuyến dân cư, thiệt hại sinh mạng, tài sản của người dân vùng nước nổi đã giảm. Nhưng người dân không chỉ cần một nơi sinh sống an toàn mà còn cần được cung cấp những tiện ích tối thiểu cho cuộc sống.

Đầu tháng 7-2006, một báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình cụm, tuyến dân cư ở 8 tỉnh vùng ngập lụt của ĐBSCL (bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long) cho thấy: Trong 742 cụm, tuyến dân cư hiện nay chỉ mới có 379 cụm, tuyến có đường giao thông; 327 cụm, tuyến có hệ thống thoát nước; 335 cụm, tuyến có nước sạch và 413 cụm, tuyến có điện. Đây chỉ là những con số thể hiện trên báo cáo. Bởi hiện nay trong vùng dự án đang có rất nhiều cụm, tuyến dân cư đã xây dựng xong hệ thống cấp nước, cấp điện để báo cáo, xong rồi phơi mưa nắng năm này qua tháng nọ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo