Những ngày này, chúng tôi trở lại các khu nhà xây dựng không phép đang bị cưỡng chế tháo dỡ ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM). Tại “khu dân cư” tổ 18, ấp 5A, xã Vĩnh Lộc A, một số người dân đã tự tháo dỡ nhà để vớt vát những vật liệu như khung cửa, cửa sổ, tôn…
“Chung chi” từng giai đoạn
Tương tự, tại xã Bình Hưng, khi chúng tôi có mặt tại ấp 1 - nơi ông Trần Quốc Thạnh (Giám đốc Công ty Kiến Quốc) xây thuê 1 lúc 14 căn nhà không phép (Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố) - một người dân tên Tr. khẳng định nếu không đút tiền cho cán bộ thì đừng có mơ xây nhà không phép! Nhìn căn nhà đã bị đập của mình và những căn nhà còn lại, chị Thảo ước tính: “Chỉ riêng 21 căn trong khu này nếu đập hết, sẽ có gần 5 tỉ đồng tan thành mây khói, đặc biệt hàng trăm con người phải vất vưởng trong thời gian tới”.
Cứ làm đơn tố cáo!
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt căn nhà xây dựng không phép mọc lên ồ ạt lẽ nào UBND xã, lực lượng TTXD không hay biết. Phải chăng do năng lực quản lý địa bàn kém hay có tiêu cực như người dân “tố”? Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề này, lãnh đạo UBND các xã đều né trả lời hoặc cho rằng mình mới về nhận công tác nên... không biết.
Ông Trần Quốc Quay, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, nói: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ chưa được 2 tháng, phải giải quyết khá nhiều việc nên chưa nắm hết”. Khi chúng tôi đặt vấn đề người dân phản ánh nhân viên TTXD Tr.V.Đ nhận tiền thông qua một phụ nữ tên Thu, rồi làm ngơ cho dân xây nhà, ông Quay cho rằng có nghe dư luận “nói này, nói nọ” nhưng ông Đ. thuộc Đội Quản lý trật tự đô thị của huyện, vẫn công tác bình thường và xã chỉ quản lý ông Đ. lúc thực hiện nhiệm vụ tại địa phương!
Còn ông Thiều Văn Se, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết địa bàn xã có 218 căn nhà xây không phép, đến nay đã cưỡng chế tháo dỡ 130 căn. “Người dân cho rằng để xây được nhà phải chi tiền cho cán bộ thì cứ làm đơn tố cáo gửi công an để xử lý theo quy định, nếu có tiêu cực sẽ xử lý tùy theo mức độ. Còn lãnh đạo xã hiện đã kiểm điểm xong và chờ kết luận của huyện” - ông Se nói. Tương tự, ông Nguyễn Văn Phó, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Kiên, cho biết toàn xã có 28 căn nhà xây không phép, đã xử lý 25 trường hợp. Đến nay, lãnh đạo xã và trưởng các ấp liên quan đã viết kiểm điểm gửi về huyện xem xét, hình thức kỷ luật thế nào còn phải chờ.
Kỳ tới: Nhà loại nào cũng xây được
Tràn lan nhà xây trái phép
L.T.S: Không riêng gì huyện Bình Chánh, TP HCM, tình trạng xây nhà trái phép cũng diễn ra công khai trên địa bàn quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn... dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi được hỏi, người dân cho biết phải “chung chi” mới được tồn tại. |
Điều tra việc “chung chi”
Chiều 7-8, thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Công an huyện Bình Chánh, TP HCM, cho biết đến nay đã xác định được 52 đối tượng là “đầu nậu” và “cò” đất hoạt động trên 16 xã, thị trấn của huyện. Cơ quan CSĐT đã triệu tập 40 đối tượng để làm việc. Các đối tượng đều thừa nhận có xây dựng nhà trái phép.
Trong 40 “đầu nậu”, “cò” đất, có 11 đối tượng đã có tiền sự về phân lô, đắp nền và xây dựng trái phép từng bị xử lý hành chính. Trong 11 đối tượng này, cơ quan công an đã khởi tố 1 bị can về hành vi “xây dựng nhà trái phép” 14 căn ở ấp 1, xã Bình Hưng và đang lập thủ tục để khởi tố tiếp một đối tượng khác, chậm nhất là trong tuần tới. Đối tượng này mỗi lần xây từ 5-10 căn nhà; tập trung tại các xã Vĩnh Lộc A, Bình Hưng và Vĩnh Lộc B. Cũng theo thượng tá Nguyễn Văn Quý, đối với trường hợp Trần Quốc Thạnh, sau khi bị khởi tố, hiện cơ quan công an đang tập trung điều tra làm rõ việc có chung chi cho cán bộ ở các xã để làm ngơ cho việc xây dựng nhà trái phép. Riêng những trường hợp thanh tra xây dựng bị người dân tố giác nhận tiền rồi làm ngơ cho xây dựng trái phép, khi cơ quan công an mời người dân lên hỏi đưa tiền cho ai, đưa như thế nào… thì người dân không dám nói hoặc tránh mặt vì sợ bị trả thù.
Y.Thanh |
Bình luận (0)