Thật ra, gỗ thủy tùng vốn được nhiều người ưa chuộng do rất quý hiếm, dùng để chế tác sản phẩm trang trí, thủ công mỹ nghệ tuyệt đẹp. Đến giữa năm 2009, trong một game show trên truyền hình, người dẫn chương trình cho rằng gỗ thủy tùng có thể chữa được bách bệnh, thậm chí cả ung thư.
Từ đó đến nay, cơn sốt săn lùng “thần dược” thủy tùng ngày càng dâng cao. Tại hai khu bảo tồn thủy tùng còn lại cuối cùng ở VN tại xã Ea Ral, huyện Ea Hleo và xã Trấp Ksơr, huyện Krông Năng - Đắk Lắk, loại cây vốn đã ít ỏi này càng thêm ngắc ngoải. Tuy nhiên, do chúng được bảo vệ nghiêm ngặt nên lực lượng săn tìm đã đổ xô đến hồ Ea Ral.
Hồ Ea Ral náo động từ sáng sớm đến tối mịt bởi những người mò tìm gỗ thủy tùng
500 người tụ tập
Những năm đầu thập niên 1980, khi thủy tùng còn khá nhiều ở Ea Ral, tỉnh Đắk Lắk đã vận động người dân triệt hạ cả khu rừng cây này để làm đập nước Ea Ral. Gỗ thủy tùng còn sót lại dưới lòng hồ khá nhiều và gần đây, người ta đã kéo nhau đến mò tìm.
Tôi đến hồ Ea Ral trong những ngày Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Mặc cái nắng như nung, nhiều người vẫn ùn ùn đổ về hồ Ea Ral để săn tìm những gốc cây thủy tùng còn sót lại bán cho thương lái.
Đổ xuống con dốc mịt mù bụi đỏ chừng 1 km, hồ Ea Ral hiện ra mênh mông giữa trưa đầy nắng. Từ xa, tôi đã nghe thoang thoảng mùi thơm của gỗ thủy tùng. Trên bờ lố nhố người, dưới hồ kẻ lặn người ngụp tìm gỗ, đủ cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con... Từ điểm đầu hồ Ea Ral đến chỗ tôi đứng chỉ chừng 100 m đã có trên 100 chiếc xe máy dựng san sát. Trên 100 người ngồi túm tụm bàn tán, ngã giá, ăn uống, đục đẽo gỗ...
Người săn lùng “thần dược” hầu hết đều đem theo đồ ăn, thức uống để vừa lặn tìm vừa có thể lót dạ tại chỗ. Xa xa bên kia hồ có hai cái lán trại dựng lên để bán bánh trái, nước nôi cho dân tìm gỗ, ban đêm làm chỗ ngủ cho người canh gỗ.
Cách đó không xa, tại một khoảnh đất chừng 50 m2, cả trăm người đang tụ tập, í ới gọi nhau đem gỗ lên rồi ùa vào xem. Thương lái và dân tìm gỗ trả giá làm náo động cả một vùng hồ. P., một thương lái dẫn tôi đi theo để “học nghề”, cho biết có không dưới 40 thương lái đang chực sẵn trên bờ chờ thu mua gỗ, đa phần là người trong vùng, một số ít đến từ TPHCM và thị xã Buôn Hồ - tỉnh Đắk Lắk.
Tính cả trên bờ lẫn dưới hồ, tôi đếm sơ đã thấy có khoảng 500 người tụ tập để săn tìm, mua bán gỗ thủy tùng. Không khí náo nhiệt kéo dài từ sáng sớm đến tận tối mịt.
Cực như đãi vàng
Ở dưới hồ Ea Ral, hàng trăm can nhựa trắng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. P. giải thích: “Người ta dùng can nhựa đó để đánh dấu mỗi khi tìm ra một khúc gỗ thủy tùng. Chỗ nào có can nhựa nằm cố định là chỗ đó có gỗ”.
Dụng cụ để xăm tìm gỗ là cây sắt mảnh nhọn, dài khoảng 3 m. Dân săn gỗ dùng cây sắt này chọc xuống lòng hồ dò tìm. Do chỗ sâu nhất của lòng hồ Ea Ral đến 4 m, phía dưới lại có lớp bùn dày nên việc lặn ngụp để xăm gỗ không hề dễ dàng. “Cực như đãi vàng đấy chứ!” - một người săn gỗ ta thán. Thông thường, cánh săn gỗ đi theo nhóm chừng 4-5 người. Mỗi lần tìm gỗ, họ thường đi cặp, người này mệt thì người kia xăm thay, cứ thế lặn ngụp cả ngày. Lúc bước lên bờ, tay chân ai cũng teo tóp vì ngâm nước lâu, da dẻ tái nhợt. Có người ôm chân nhảy lò cò, máu rỉ đầy vì giẫm phải vật nhọn.
Khi đã xăm được thủy tùng, người ta sẽ lặn xuống “dọn đường” để xác định chiều cao và đường kính khúc gỗ, sau đó thay phiên nhau cưa. Nếu là gỗ lớn, đường kính khoảng 80 cm, có khi phải lặn cưa mất vài ngày. Mỗi lần lặn xuống kéo chừng vài lượt cưa đã hết hơi, họ lại phải ngoi lên thở rồi xuống cưa tiếp. Quá trình cưa và đưa gỗ vào bờ có khi mất cả chục ngày đối với những cây gỗ thủy tùng lớn. Theo P., ít ai đưa gỗ vào bờ ban ngày mà neo lại trên mặt hồ, đánh dấu bằng can nhựa rồi cắt cử người canh giữ.
Đa phần gỗ “giam” ở giữa hồ đều là loại lớn. Họ kiên nhẫn chờ đêm xuống rồi vận chuyển gỗ ra ngoài để tránh kiểm lâm. “Nếu không cử người canh giữ sẽ bị trộm ngay. Lúc này, gỗ thủy tùng quý như vàng nên chuyện trộm, cướp gỗ vẫn thường xảy ra. Chỉ cần người canh giữ chểnh mảng đôi chút đã có kẻ đến tròng xích sắt vào gỗ để cho đồng bọn, lúc này đã khởi động sẵn xe công nông trên bờ, rồ máy kéo phăng đi” - P. kể. Tôi thấy trên tay những người canh giữ gỗ luôn lăm lăm cái cưa và con dao để sẵn sàng ăn thua đủ với đám trộm cướp gỗ thủy tùng.
“Không phải ai cũng may mắn tìm được khúc gỗ thủy tùng. Nhiều người dở khóc dở cười vì mất cả ngày lặn ngụp, cưa kéo nhưng lúc lôi gỗ vào bờ mới hay chẳng phải thủy tùng. Thậm chí, có người không biết, đến khi thương lái đến ngã giá mới hay đó chỉ là gỗ tạp” – P. cho biết.
Nguy cơ tuyệt chủng rất cao Thủy tùng (còn gọi là thông nước) là loại cây gỗ lớn, có thể cao tới 25 m, đường kính thân trên 1,3 m, vân đẹp, có mùi thơm nên thường được dùng làm đồ mỹ nghệ. Đây là loài cây quý hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế, được xem như hóa thạch sống của ngành hạt trần do đã xuất hiện cách nay khoảng 10 triệu năm. Ở VN, thủy tùng chỉ còn 2 quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk nhưng cũng đang già cỗi, ít ỏi và thoái hóa nghiêm trọng. Thủy tùng có tên trong Sách đỏ VN, được xếp vào loài có nguy cơ tuyệt chủng cao và là một trong 10 loài thông ưu tiên bảo tồn. Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) từng công bố thủy tùng là một trong những loài cây bị săn lùng ráo riết nhất. Theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, thủy tùng được xếp vào nhóm I A, nghiêm cấm chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại. |
Kỳ tới: Nhộn nhịp chợ gỗ
Bình luận (0)