Thông tư số 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-4, (thay thế cho Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH)
Theo thông tư này, điều kiện lao động được chia thành 6 loại, từ I - VI. Trong đó nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm.
Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Nghề, công việc có điều kiện lao động được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Thông tư 03 cũng quy định rõ 3 phương pháp phân loại điều kiện lao động. So với Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH thì thông tư này đã bổ sung 2 phương pháp mới để phân loại điều kiện lao động, nhằm khắc phục bất cập về việc một số công việc có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động nhưng thiếu các yếu tố trong hệ thống chỉ tiêu dẫn đến không thể đánh giá, xếp loại.

Từ ngày 1-4, sẽ có 3 phương pháp xác định nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
Cụ thể các phương pháp phân loại điều kiện lao động từ ngày 1-4 gồm:
Thứ nhất là phương pháp đánh giá, tính điểm với quy trình thu thập mẫu, đánh giá số liệu theo hệ thống chỉ tiêu, tính điểm trung bình theo công thức quy định tương tự như Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH. Song, điểm khác biệt là thông tư mới quy định chi tiết hơn và cho phép có sai số nhất định.
Hai phương pháp mới bổ sung gồm:
Phương pháp thống kê, kinh nghiệm: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để xác định loại điều kiện lao động cho các nghề, công việc được đánh giá.
Phương pháp kết hợp. Cụ thể, kết hợp phương pháp đánh giá, tính điểm với phương pháp thống kê, kinh nghiệm và lấy ý kiến của bộ quản lý ngành lĩnh vực, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp kết quả.
Hai phương pháp này được áp dụng đối với các nghề, công việc có yếu tố gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe của người lao động nhưng không thể xác định đủ yếu tố đặc trưng trong hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động; công việc có tính chất nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, môi trường; tiếp xúc với hóa chất độc bảng A, phóng xạ.
Căn cứ vào các yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, số liệu thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh tật của nghề, công việc và kết quả tổng hợp theo phương pháp kết hợp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) quyết định xếp loại điều kiện lao động đối với các nghề, công việc được đánh giá theo hai phương pháp mới này.
Bình luận (0)