Quảng Trị là mảnh đất chứng kiến nhiều đau thương, mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ, thống nhất Tổ quốc. Mảnh đất tuy chỉ rộng trên 4.700 km2 nhưng có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 60.000 anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ. Tỉnh có trên 140.000 người có công với cách mạng và gia đình chính sách đã được xác nhận.
Nỗ lực chăm lo cho người có công, người yếu thế
Thời gian qua, xác định công tác an sinh xã hội là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nên tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế trên địa bàn.
Theo thống kê, Quảng Trị có trên 140.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận; trong đó, có hơn 19.170 liệt sĩ, 12.125 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 2.833 Mẹ Việt Nam anh hùng... Tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 18.500 người có công và thân nhân hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng với tổng số tiền chi trả gần 32 tỉ đồng/tháng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 47.359 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng trên 25 tỉ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phụng dưỡng suốt đời và có cuộc sống vật chất, tinh thần ổn định. Nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực xã hội từ ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội khác ngày càng lớn, vì thế đời sống vật chất, tinh thần của người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết cùng với việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của nhà nước, tỉnh cũng đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách và các đối tượng yếu thế như: miễn giảm tiền sử dụng đất, xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế...
Từ những kết quả đạt được, có thể thấy công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, "Quảng Trị vinh dự được thay mặt cả nước chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đang an nghỉ tại 72 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Đến nay, hệ thống các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Vào các dịp lễ, Tết, tất cả các phần mộ liệt sĩ trong toàn tỉnh đều được chăm sóc, khói hương chu đáo, thành kính, ấm cúng" - ông Hoàng Nam cho biết.
Để tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hằng năm tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động như: Lễ hội "Thống nhất non sông", chương trình "Hoa dâng mộ liệt sĩ", các hoạt động tri ân Tháng 7, "Đêm hoa đăng" thả hoa đăng tưởng niệm liệt sĩ trên sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị)... đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và nhân dân trong cả nước đến tưởng niệm, ôn lại truyền thống yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài ra, các phong trào vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Vì người nghèo", các chương trình "Nối vòng tay nhân ái", "Tiếp sức đến trường" và nhiều hoạt động hỗ trợ xã hội khác... đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành các hoạt động chính trị - xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn sâu sắc, xã hội hóa cao, luôn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng.
Xóa nhà tạm bợ, kéo giảm hộ nghèo
Theo ông Hoàng Nam, từ năm 2003 đến nay, thông qua nguồn kinh phí của nhà nước và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng trên 22.000 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn. Nhờ đó, nhà ở của nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế đã được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần dần ổn định.
Tuy nhiên hiện nay, còn số lượng khá lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ, nhất là khu vực miền núi, nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển. Qua rà soát, toàn tỉnh có 4.398 hộ nghèo và hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở mới, trong đó có 3.152 hộ nghèo thiếu hụt gay gắt về nhà ở.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh phối hợp Ủy ban MTTQ VN tỉnh ban hành Đề án 197/ĐA-UBND-MTTQ ngày 6-10-2022 "Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026". Đề án này đã được HĐND tỉnh thông qua nhằm huy động các nguồn lực để hỗ trợ 3.152 hộ nghèo xây mới nhà ở với tổng kinh phí khoảng 218 tỉ đồng.
Trong 2 năm 2022-2023, đề án đã hỗ trợ xây dựng 1.357 nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 128 tỉ đồng, đạt 43,62% kế hoạch đề ra; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 65 triệu đồng, Quỹ "Vì người nghèo" huy động gần 63 tỉ đồng. Theo đề án, mỗi hộ nghèo miền núi được hỗ trợ 70 triệu, mỗi nghèo vùng đồng bằng được hỗ trợ 60 triệu để xây mới 1 căn nhà.
"Trong thời gian tới, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân hảo tâm trong cả nước, cùng đồng hành với địa phương để hoàn thành mục tiêu của đề án mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này. Phấn đấu đến cuối năm 2026 không còn hộ nghèo nào không có nhà hoặc phải ở nhà tạm bợ trên địa bàn toàn tỉnh" - ông Hoàng Nam cho biết..
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, qua rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2023, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chiếm 7,74% với 14.099 hộ (giảm 4.805 hộ tương ứng giảm 2,81% so với đầu năm 2022), hộ cận nghèo chiếm 5,4% với 9.840 hộ (giảm 293 hộ tương ứng giảm 0,27%). Trong đó, số lượng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều, còn 10.234 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỉ lệ 72,59% so với tổng số hộ nghèo của toàn tỉnh và chiếm tỉ lệ 47,27% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Vì vậy, để góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục phân nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo các chiều thiếu hụt, nhu cầu trợ giúp để xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ; tăng cường cơ chế, chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm dần chính sách cho không, lấy sự phát triển của người nghèo, cộng đồng nghèo làm trung tâm trong các chương trình, dự án giảm nghèo; kết nối giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vùng nghèo, vùng khó khăn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cơ bản, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng trẻ em và một số hoạt động phù hợp khác…
Bình luận (0)