Việc gọi điện trao đổi trực tiếp với khách hàng, đối tác nhiều lúc khiến không thoải mái, vì vậy Thái Bảo thường ưu tiên liên lạc qua tin nhắn hoặc email, nhờ đó cô có thể cẩn trọng lựa chọn câu từ.
Thái Bảo tự nhận thấy đó là điểm chung phổ biến giữa cô với bạn bè đồng trang lứa. Không chỉ ngại giao tiếp, Bảo còn dễ phản ứng thái quá trước câu từ trong tin nhắn hay email từ người khác gửi, dù vấn đề thực tế không hề nghiêm trọng.
Bà Phan Tường Yên, Giám đốc Chương trình tâm lý Doanh nghiệp (DN) tại Tổ hợp dịch vụ tâm lý Saigon Psychub, cho rằng nhạy cảm là một trong những đặc điểm của lực lượng lao động này. Theo bà Yên, để mô tả thế hệ này có 5 từ khóa chính: nhanh, nhạy, dạn, cởi mở và trăn trở về tương lai.
Theo đó, nhanh hàm ý chỉ tốc độ học tập và thích nghi với cái mới, nhưng cũng muốn nói đến khả năng tập trung và chú tâm tương đối ngắn. Họ trưởng thành trong bối cảnh mạng xã hội và các ứng dụng di động đã là một phần không thể tách rời của thế giới. Cách vận hành những ứng dụng này có tác động không nhỏ đến hành vi, chú ý của người sử dụng.
"Dù có chính kiến mạnh mẽ, thế hệ này cũng có xu hướng phản biện lại sự bảo thủ và cởi mở với sự khác biệt, đồng thời đề cao môi trường làm việc mở. Họ cũng quan tâm nhiều tới các vấn đề như giá trị lao động, sự cống hiến, tính bền vững và an toàn tài chính" - bà Yên nói.
Bà Trần Thị Thu Trang, Chánh Văn phòng Công ty TNHH CMC Global tại TP HCM, cho biết hiện công ty có hơn 60% nhân sự sinh từ năm 1997 - 2002. Thay vì phán xét hoặc "kết tội" một thế hệ, điều cần nhất là phải có đội ngũ dẫn dắt lực lượng lao động mới này. Theo bà Trang, việc xây dựng không gian để người trẻ dám nói lên ý kiến của mình rất quan trọng.
Điều này phụ thuộc lớn vào vai trò cũng như sự dũng cảm của người quản lý, nhất là khi ở Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Á Đông, việc người trẻ phản biện có thể bị gắn với định kiến là "cãi lời" người lớn. Bà Trang khuyến khích DN nên làm mới, cải tiến các nội dung truyền thông, để phù hợp với lao động trẻ.
Còn ông Trần Phước Tuấn, Giám đốc nhân sự The Coffee House, cho rằng cần giảm thiểu định kiến và tạo ra môi trường làm việc tích cực, nhất là tạo cơ hội cho sự giao tiếp cởi mở và hỗ trợ trao đổi ý kiến giữa các lứa tuổi. Như tại The Coffee House, cách làm phổ biến là tận dụng ưu thế của từng thế hệ để bổ khuyết cho nhau.
Đội ngũ tiếp đón khách hàng thường có nhiều lao động lớn tuổi, có sự chín chắn, dày dạn trong giao tiếp, cư xử. Họ chính là hình mẫu để người trẻ học hỏi, tuy nhiên hạn chế của những lao động này là sử dụng công nghệ. Khi đó, những người trẻ sẽ hướng dẫn, hỗ trợ họ để thuận tiện trong công việc.
Ngoài việc xây dựng văn hóa thân thiện, tôn trọng sự đa dạng, theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe (quận 1, TP HCM), giao tiếp cũng là chìa khóa để cải thiện mối quan hệ giữa các thế hệ trong tổ chức. Vì thế, DN cần đẩy mạnh truyền thông, tương tác nội bộ, tạo ra các kênh giao lưu, chia sẻ và phản hồi giữa nhóm và cá nhân; tổ chức các lớp học, diễn đàn, hoạt động ngoại khóa nhằm rút ngắn khoảng cách đa thế hệ.
Bình luận (0)