Thế giới đã được trải nghiệm công nghệ mạng di động 5G "Make in Vietnam". Điều tưởng như không tưởng đó đã diễn ra tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2024 ở Barcelona - Tây Ban Nha hồi hạ tuần tháng 2-2024 khi Tập đoàn Viettel lần thứ 7 tham dự sự kiện toàn cầu quan trọng nhất và lớn nhất thế giới về di động này.
Chipset 5G và Vi An - con người trí tuệ nhân tạo (Human AI) được công bố tại đây là 2 điểm thu hút trong số 17 giải pháp và sản phẩm công nghệ "Made by Viettel" được Viettel giới thiệu tại MWC 2024.
Viettel - một doanh nghiệp nhà nước - đã nhạy bén vươn ra biển lớn thế giới từ rất sớm. 17 năm sau ngày thành lập (tháng 6-1989), vào đầu năm 2006, Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài, trong khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở trong nước của họ còn gặp nhiều khó khăn. Và đến năm 2018, Viettel đã kinh doanh tại thị trường 10 nước ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Năm 2022, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên đạt doanh thu dịch vụ gần 3 tỉ USD (hơn 70.000 tỉ đồng) - tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông của tập đoàn này.
Tháng 8-2023, Viettel tiếp tục có tên trong danh sách Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Brand Finance công bố. Viettel được định giá gần 9 tỉ USD, tiếp tục trở thành thương hiệu giá trị nhất Việt Nam đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á, nhờ mở rộng thành công ra thị trường quốc tế.
Không ai có thể phủ nhận tố chất nhanh nhạy và tài năng về công nghệ của người Việt Nam. Trong khi không thể kể hết số doanh nghiệp nhỏ, cá nhân từ Việt Nam lâu nay đang âm thầm góp mặt trên thị trường công nghệ thế giới thì những "ông lớn công nghệ" Việt Nam như Viettel, FPT, CMC, VNPT, Vingroup… đã tạo được những dấu ấn Việt trên bản đồ công nghệ thế giới. Có thể nói rằng Việt Nam đang là một "người tham gia mới nổi" trên sân chơi công nghệ toàn cầu.
Sau hơn 2 thập kỷ tích lũy kinh nghiệm trên thị trường toàn cầu, tập đoàn này đã xây dựng được năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng phát triển rộng trong tương lai. Và trong vòng 3 năm gần nhất, họ tăng trưởng gấp đôi để đạt con số 1 tỉ USD đó. Trong đó có 21% đến từ lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực tài chính - ngân hàng, 11% đến từ năng lượng…
FPT có được trong tay "vũ khí tuyệt đối", hay có thể gọi là "bí kíp", khi chinh chiến trên các thương trường quốc nội và quốc tế, đó là tinh thần máu lửa, khát vọng, lan tỏa từ lãnh đạo đến từng nhân viên bán hàng, như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, từng chia sẻ. Tương đồng quan điểm đó, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, nhấn mạnh: "Muốn sản phẩm tạo được tiếng vang ở nước ngoài thì khát vọng phải cao, tự tin phải lớn, có đủ tự hào".
Dĩ nhiên, để các doanh nghiệp công nghệ Việt ra nước ngoài không đơn độc một mình thì bên cạnh sự cộng hưởng từ các "đồng hương", họ cần lực đẩy làm chỗ dựa. Đó là một quốc sách phát triển và bền vững, tính hội nhập cao.
Bình luận (0)