Theo Đề án, thị trường các-bon tại Việt Nam được chủ động thành lập và phát triển phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn, định hướng phát triển quốc gia, cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà Việt Nam tham gia và xu hướng phát triển thị trường các-bon toàn cầu.
Thị trường các-bon được phát triển theo mô hình tập trung, hoạt động theo nguyên tắc thị trường dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Nhà nước đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện quốc gia và thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích quốc gia, hài hòa lợi ích của các chủ thể trên thị trường.
Việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Theo đề án, thị trường các-bon tại Việt Nam sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn: giai đoạn thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Hàng hóa trên thị trường các-bon gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon
Chủ thể tham gia thị trường các-bon gồm Các cơ sở thuộc Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; Tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ các-bon...
Đề án nêu rõ, hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thiết lập và vận hành để phục vụ việc quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon; xử lý các hoạt động vay mượn, nộp trả, chuyển giao, bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Việc tổ chức giao dịch trên thị trường các-bon được thực hiện theo phương thức tập trung trên sàn giao dịch các-bon. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch các-bon, Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch.
Việc cung ứng dịch vụ sẽ được thực hiện theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.
Về tổ chức vận hành thị trường các-bon, đề án nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Bình luận (0)