Bạc Liêu được xem là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát hành tín chỉ carbon điện gió do có nhiều dự án điện gió ven và trên biển.
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh
Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km, cộng với vùng ven biển rộng và sức gió thổi mạnh nên được xem là điều kiện lý tưởng để phát triển các dự án điện gió. Những "cánh đồng" điện gió ở Bạc Liêu không chỉ góp phần tạo ra nguồn năng lượng sạch, phát triển du lịch mà còn có thể mang về hàng triệu Euro nhờ bán tín chỉ carbon.
Bạc Liêu có khoảng 10 dự án nhà máy điện gió đã và đang được đầu tư với tổng công suất hơn 660 MW. Trong đó, 8 nhà máy đã đưa vào hoạt động với tổng công suất 469,2 MW; tổng sản lượng điện gió giai đoạn 2020-2023 đạt trên 3,08 tỉ kWh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết 8 nhà máy điện gió trên địa bàn đi vào hoạt động đã giúp giảm phát thải khoảng 2.228.422 tấn CO2; tăng nguồn điện sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. Những nhà máy này góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Chính phủ, cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2 để ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Hoàng Văn Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án điện gió Hòa Bình 1, Hòa Bình 1 giai đoạn 2 và Hòa Bình 2 - cho hay 3 dự án này có 39 trụ turbine gió. Sau khi các nhà máy đi vào hoạt động, các đơn vị liên quan đã thực hiện thủ tục phát hành tín chỉ carbon.
"Đến cuối năm nay, 3 dự án điện gió này sẽ tạo ra 1,4 triệu tín chỉ carbon. Qua thương thảo, một đối tác ở Thụy Sĩ đã xác nhận mua với giá 1,8 Euro/tín chỉ, như vậy dự kiến thu về được hơn 2 triệu Euro. Chúng tôi sẽ bán toàn bộ tín chỉ carbon nhưng đối tác chỉ xác nhận và thanh toán theo từng năm" - ông Cường thông tin.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, lộ trình triển khai thị trường tín chỉ carbon trong nước chia thành 2 giai đoạn. Từ nay đến hết năm 2027, sẽ xây dựng quy định quản lý, hoạt động trao đổi, quy chế vận hành sàn giao dịch, triển khai thí điểm, thành lập và tổ chức vận hành... Từ năm 2028, sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi trong nước với khu vực và thế giới.
Phát triển năng lượng sạch
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng mô hình công nghiệp sạch được xác định là 1 trong 5 trụ cột phát triển kinh tế của Bạc Liêu. Song song đó, tỉnh còn khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính để góp phần chung tay bảo vệ môi trường.
Trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu luôn khẳng định phương châm "việc gì dễ thì dành cho doanh nghiệp; việc gì khó, các cơ quan nhà nước phải làm". Với tinh thần cởi mở, thân thiện, các cấp chính quyền địa phương đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của Bạc Liêu nói chung và lĩnh vực năng lượng xanh nói riêng.
Việc bảo vệ môi trường luôn được Bạc Liêu quan tâm và ưu tiên thực hiện trong quá trình phát triển kinh tế. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản của trung ương về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải, thị trường carbon…
Bạc Liêu còn ban hành nhiều văn bản nhằm xây dựng thị trường tín chỉ carbon, như: kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải; kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2023-2030…
Theo lãnh đạo Bạc Liêu, khái niệm thị trường tín chỉ carbon ở địa phương này còn khá mới. Vì vậy, quá trình thực hiện đề án về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường tín chỉ carbon gặp không ít khó khăn. Do điều kiện thực tế của địa phương trong việc chuyển đổi phương tiện xanh nên để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi, rà soát sửa đổi và bổ sung các quy chuẩn…
Bạc Liêu đang ưu tiên kêu gọi đầu tư 10 dự án trong danh mục điện gió trên bờ (đất liền và gần bờ) với công suất 550 MW. Khi các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Phát triển điện mặt trời
UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết đến năm 2023, toàn tỉnh có 1.612 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 183.943 kWp, tổng sản lượng phát lên lưới giai đoạn 2020-2023 là 653.560.000 kWh. Qua đó, giúp giảm phát thải khoảng 9.050.824 tấn CO2.
Theo các chuyên gia, Bạc Liêu có thể phát triển điện mặt trời qua việc tận dụng diện tích những cánh đồng muối để lắp đặt tấm pin thu nhiệt - như Trung Quốc đã làm, nhằm tăng sản lượng điện cho lưới điện quốc gia và bán tín chỉ carbon.
Bình luận (0)