Lần đó, tôi đến tìm hiểu về tình hình kháng chiến những năm sau khi giành độc lập ở một bác cán bộ hưu trí. Ông không phải là người nổi tiếng, có nhiều công lao hay giữ chức vụ gì quan trọng. Ông đơn giản là một người yêu nước, trong hoàn cảnh mất nước, được giác ngộ rồi tham gia cách mạng.
Ông kể mình mồ côi, 6 tuổi phải đi ở đợ cho nhà địa chủ, đến 16 tuổi thì đã trải qua 3 đời địa chủ. Làm đầy tớ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, bị hành hạ thường xuyên nên ông trốn. Đi phu cao su, ông chứng kiến bao nhiêu cảnh bất công, tàn bạo do bọn chủ đồn điền gây ra...
Cách mạng Tháng Tám bùng lên, ông tham gia hoạt động Công đoàn, rồi làm cán bộ trinh sát. Chẳng bao lâu, ông bị địch bắt. Trong tù, ông nếm đủ các món đòn mà con người có thể nghĩ ra để hành hạ đồng loại, toàn những cực hình đau đớn thấu xương.
Tuổi già vốn sức khỏe đã yếu lại còn di chứng của một thời tù đày càng làm ông đi lại khó khăn, mắt mờ, tai lãng, trí nhớ có phần vơi đi…
Trong suốt mấy ngày nghe ông kể chuyện bằng sự hồ hởi, cởi mở, tôi nhận ra có lẽ đây là dịp ông được nói về một thời kỳ hào hùng của dân tộc mà ông vinh dự góp phần, là dịp để ông khẳng định lý tưởng của mình là chân lý, là vĩnh cửu.
Tôi không thấy đoạn nào ông tỏ ra đề cao mình, cường điệu vai trò mình hay tỏ ra coi thường lớp trẻ. Ông luôn kể chuyện của mọi người, những chuyện về sự gan dạ của họ. Ông như một người đang kể chuyện cho con cháu nghe, một cách trung thực và cũng đầy tự hào.
Tôi ghi lại tất cả, định sẽ kể cho vài người khác nghe hoặc làm tư liệu sau này viết sách. Sau đó, tôi tham gia viết cuốn "Hồi ký kháng chiến" ở một quận nọ. Ngày đến biếu sách, ông cụ rưng rưng nước mắt. Tôi cũng rất xúc động vì mình đã góp phần làm cho một người ở tuổi xế chiều có dịp cảm thấy tự hào vì đã có một thời tuổi trẻ oanh liệt…
Tôi thấm thía câu chuyện trong "Ngọn đèn không tắt" của nhà văn Đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư. Có điều nhân vật "tôi" trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư kể về chính người ông của mình, với đầy sự tự hào, hãnh diện nên giọng kể của cô hào sảng, mượt mà, ấm áp như đã ăn vào máu thịt. Còn chuyện của tôi, có phần nào chắp vá. Dù sao, cũng giống nhau ở chỗ cùng tự hào về một quá khứ hào hùng của cha ông, của dân tộc.
Tôi cảm thấy có một sợi dây liên hệ rất chặt chẽ trong hai câu chuyện. Giữa thế hệ giữ nước và thế hệ xây dựng đất nước có sự kế thừa. Tôi không dám nhận mình có thể làm gì đóng góp cho đất nước nhưng tôi nằm trong thế hệ đó. Tôi trân trọng những câu chuyện liệt oanh của cha ông, cũng như cô gái trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư gìn giữ, nâng niu câu chuyện về người ông của mình.
Nhiều năm qua, tôi vẫn tiếp tục làm công tác liên quan đến báo chí, truyền thông, rồi tham gia giảng dạy. Ở vai nào tôi cũng cố gắng góp phần gìn giữ sợi dây liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, rồi đến gần hơn những người trẻ. Tôi mong sao sợi dây đó mãi đừng đứt, hay người ta làm cách nào đó cho nó đừng đứt.
Bởi sợi dây này đã đứt thì hình như chẳng thể nào nối lại được, quá khứ hào hùng sẽ lìa xa hiện tại, nhất là một hiện tại đang quá bận rộn với quá vô số hoạt động, mối lo, sự quan tâm của giới trẻ mà đôi lúc ít có những hoạt động chạm được vào sợi dây ấy.
Một khi sợi dây liên hệ bị đứt, tất cả sẽ trở thành quên lãng một cách đáng trách và cũng đáng sợ.
Bình luận (0)