Chiều 11-2, có mặt trên Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục rơi vào "vòng vây ùn ứ" như thời gian dài trước đó.
Quá tải
Dòng phương tiện gồm xe máy, xe tự chế, xe đạp điện… đan xen với ô tô cùng nhích từng chút một tạo nên bức tranh ngột ngạt.
Chị Nguyễn Thị Hồng, người bán hàng rong, trong lúc dừng hàng chục mét trước đèn đỏ, ngao ngán quay sang nói với phóng viên đây là cảnh thường xuyên dọc Quốc lộ 13 từ cầu vượt ngã tư Bình Phước tới cầu Bình Triệu và ngược lại. Chị kể ám ảnh nhất là vào những khung giờ cao điểm khi chôn chân giữa đủ loại còi xe, tiếng động cơ, khói bụi.
Người đi xe hai bánh đã thế, cánh tài xế xe vận tải càng khổ sở vì tình trạng kẹt xe kéo dài. "Quốc lộ 13 tắc nghẽn triền miên, chỉ cần một vụ va quệt là ùn ứ kéo dài. Có hôm tôi chở hàng đi chợ đầu mối mà "bò" trên đường gần 1 giờ. Xe máy còn có thể luồn lách chứ xe 4 bánh như bọn tôi thì bất lực, không lối thoát" - anh Trần Đình Tài, người thường xuyên vận chuyển hàng vào chợ đầu mối Thủ Đức, than thở.
![Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM chiều 11-2 Ảnh: NGỌC QUÝ Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM chiều 11-2 Ảnh: NGỌC QUÝ](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2025/2/11/anh-1-giao-thong-hon-loan-tren-quoc-lo-13-moi-gio-tan-tam-1739280478388680777193.jpg)
Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM chiều 11-2 .Ảnh: NGỌC QUÝ
Phóng viên ghi nhận với lưu lượng phương tiện ngày càng tăng, tình trạng quá tải trên Quốc lộ 13 không chỉ gây phiền toái cho người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thương. Một giải pháp triệt để nhằm giải quyết ùn tắc là điều hàng ngàn người tham gia giao thông trên tuyến đường này luôn mong mỏi.
Kỳ vọng
Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM hiện có bề rộng xê dịch từ 19 tới 26 m. Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, dù là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế của cả nước, cũng như đầu tàu kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường cửa ngõ của thành phố - vẫn chưa được đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch.
Để tạo động lực phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì việc tiếp tục và đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó có dự án Quốc lộ 13, của TP HCM là rất quan trọng.
Sở GTVT vừa trình UBND thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 theo phương thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT. Đây là một trong 5 dự án giao thông được thành phố triển khai theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, cho phép thực hiện BOT với hạ tầng hiện hữu.
Theo đó, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình (giáp tỉnh Bình Dương) dài 6,3 km sẽ được mở rộng lên 60 m, đáp ứng 10 làn xe. Trên tuyến sẽ xây dựng 3,2 km đường trên cao (cầu cạn) từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Bên dưới, đường song hành mỗi bên 3 làn xe, tốc độ tối đa 60 km/giờ.
![Phối cảnh dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. (Ảnh do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cung cấp) Phối cảnh dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. (Ảnh do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cung cấp)](https://nld.mediacdn.vn/291774122806476800/2025/2/11/phoi-canh-1739280478671337282715.jpg)
Phối cảnh dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. (Ảnh do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cung cấp)
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 21.724 tỉ đồng với trên 14.700 tỉ đồng ngân sách TP HCM tham gia, còn lại do nhà đầu tư đóng góp. Thời gian khai thác, thu phí hoàn vốn dự kiến 21 năm 4 tháng.
Dự án dự kiến trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I/2025. Qua nhiều bước tiếp theo, việc thi công sẽ bắt đầu từ quý III/2026 đến năm 2028 và đưa công trình vào khai thác.
Hướng tới hiệu quả lâu dài
Kiến trúc sư Khương Văn Mười nhận định nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trên Quốc lộ 13 ngày càng lớn đòi hỏi hạ tầng giao thông phải phát triển tương ứng. Theo ông, việc mở rộng lên 60 m đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình là cấp thiết nhằm giảm áp lực giao thông, tăng cường kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ.
TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng Tư vấn OCG Nhật Bản tại Hà Nội, nói trong bối cảnh diện tích mặt đường thiếu hụt tại đô thị lớn như TP HCM thì việc xây dựng đường trên cao là cần thiết. Tuy nhiên, chi phí xây dựng đường trên cao thường lớn, do đó khi thực hiện theo phương thức đối tác công - tư, cần phải có những điều khoản hài hòa, giải quyết mọi rủi ro phát sinh giữa nhà nước và nhà đầu tư để dễ thu hút doanh nghiệp tham gia.
Theo tính toán, chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án chiếm hơn 15.200 tỉ đồng.
TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, người từng tham gia góp ý, phản biện xã hội cho 5 dự án BOT mà Sở GTVT tổ chức - cho rằng đối với các dự án mở rộng, nâng cấp trên đường hiện hữu như mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 nên hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ giải tỏa đủ quy mô cần thiết nhằm giảm chi phí và thời gian bồi thường.
Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ thu phí theo chặng - người đi đoạn ngắn trả tiền ít hơn người đi đoạn dài - nhằm tạo sự công bằng, minh bạch.
Đề xuất phát triển TOD
Kiến trúc sư Khương Văn Mười cũng nhấn mạnh sự cần thiết của mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) trên trục ngã tư Hàng Xanh - Bình Triệu. Hệ thống giao thông công cộng kết hợp với quy hoạch đô thị sẽ giúp giảm thời gian di chuyển, nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường và đây là xu hướng phát triển bền vững mà TP HCM cần thực hiện nhanh.
"Nghị quyết 98 và các chính sách mới sẽ là cơ sở pháp lý giúp thành phố chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD" - ông Mười dẫn căn cứ và quả quyết nếu chậm triển khai, ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Mới đây, trong cuộc họp với lãnh đạo UBND TP HCM, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đề xuất phát triển TOD cho khu vực ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu. Theo CII, đơn vị này sẽ nghiên cứu, hoàn chỉnh ý tưởng và trình thành phố trong tháng 8-2025.
Bình luận (0)