Nhiều vụ lùm xùm giữa khách hàng và công ty bảo hiểm trước đây đã làm lộ ra thực tế là điều khoản trong hợp đồng thường được xây dựng theo hướng công ty bảo hiểm "nắm đằng chuôi". Chẳng hạn, hợp đồng có thể bao gồm các điều khoản loại trừ đối với trường hợp được chi trả hoặc giới hạn mức độ thiệt hại được bồi thường. Riêng với bảo hiểm ô tô bị hư hỏng do bão lũ, trả lời báo chí, phía công ty bảo hiểm cho hay để được giám định và bồi thường, tài xế khi điều khiển phương tiện, thấy mực nước lên cao có nguy cơ xâm nhập động cơ thì phải tắt máy ngay và nhanh chóng gọi cứu hộ.
Mưa bão, lũ lụt nói riêng và thiên tai nói chung đều vô cùng khó lường, nguy hiểm. Thử hình dung trong lúc bão số 3 đổ bộ hay lũ lụt bất ngờ ập về các tỉnh miền Bắc những ngày qua hoặc đơn giản hơn là gặp mưa lớn, triều cường..., tài xế phải dừng xe, "giữ nguyên hiện trường" và chờ cứu hộ... thì liệu có khả thi? Ngay cả trong điều kiện bình thường, chủ ô tô muốn được bồi thường bảo hiểm cũng đã phải trải qua nhiều bước kiểm tra kỹ lưỡng, phải cung cấp nhiều loại tài liệu... Thời gian để thực hiện các thủ tục thường kéo dài trong khi chủ xe cần hỗ trợ tài chính ngay lập tức để sửa chữa hoặc thay thế phương tiện.
Vẫn biết phía công ty bảo hiểm muốn chặn những trường hợp trục lợi, cố ý gây thiệt hại để được nhận bồi thường, song trong những tình huống thiên tai nghiêm trọng đã được ghi nhận, việc đòi hỏi nhiều điều kiện có thể được hiểu là làm khó khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm lúc này nên chăng giảm bớt điều kiện thẩm định không hợp lý, không cần thiết để hỗ trợ khách hàng trong thời điểm khó khăn. Khách hàng là người đem lại nguồn thu cho công ty bảo hiểm. Việc doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ trong một số trường hợp đặc biệt không chỉ là sự sẻ chia mà còn thể hiện sự sòng phẳng với khách hàng của mình.
Một số công ty bảo hiểm gần đây đã có động thái hỗ trợ khách hàng rất đáng ghi nhận như đơn giản hóa quy trình thẩm định, đến trực tiếp hiện trường để giám định và hỗ trợ bồi thường... Tuy nhiên, nếu vẫn giữ những điều khoản ngặt nghèo thì số lượng khách hàng không được bồi thường hoặc bồi thường ở mức không thỏa đáng chắc chắn sẽ khá nhiều. Bởi trong hoàn cảnh thiên tai và rủi ro bất ngờ, không phải ai cũng thực hiện được đúng quy trình, cung cấp được đầy đủ hồ sơ, tài liệu... chứng minh thiệt hại. Việc không hoặc chậm tháo gỡ thủ tục thẩm định và chấp thuận bồi thường có thể còn khiến số lượng phương tiện nằm chờ sửa chữa tăng nhanh, tiếp tục gây quá tải cho đại lý.
Về phía cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, cần tiếp tục chỉ đạo, giám sát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương hỗ trợ khách hàng theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhất là trong giải quyết quyền lợi bảo hiểm chính đáng.
Bình luận (0)