Trước hết, huy chương nào cũng có 2 mặt. Vì “thân chủ” cầm cự lâu hơn nên thầy thuốc đủ thời giờ phát hiện nhiều bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, ung thư... Vì sống thọ hơn nên nạn nhân dễ bệnh hơn trong môi trường càng lúc càng ô nhiễm, nào siêu vi, vi khuẩn, nấm mốc càng lúc càng tinh vi. Kết quả là dân số tuy tăng nhưng lại tỉ lệ thuận với số bệnh nhân.
Kế đến, trong nhóm “khách hàng tiềm năng” của ngành y vẫn có một nhóm rõ ràng giảm thọ. Đó là các đối tượng: Hút thuốc lá trên 20 điếu/ngày; cao huyết áp nhưng tránh né thầy thuốc cho bằng được hay nếu chữa bệnh thì theo kiểu xuân thu nhị kỳ; tăng mỡ trong máu, cụ thể là triglyceride, chất gây xơ vữa và tắc mạch máu nhưng không chịu theo dõi định kỳ cũng như điều trị đúng bài bản.
Theo kết quả của một công trình nghiên cứu mang tên Whitehall ở Mỹ, ứng viên thuộc nhóm nêu trên chắc chắn giảm thọ tối thiểu 10 năm! Con số 10 năm giảm thọ thậm chí có thể gia tăng tùy theo các yếu tố dưới đây:
- Số điếu thuốc mỗi ngày và thời gian đã hút thuốc trước khi về già. Ai càng phì phèo càng mau bỏ cuộc.
- Tình trạng béo phì. Càng mập càng mau bước ra ngoài vòng thế tục.
- Có thêm bệnh tiểu đường là bệnh đồng hành trước ngày về hưu.
- Đã từng có lần bị nhồi máu cơ tim nhưng sau đó vẫn chưa chịu đổ lệ dù đã thấy quan tài.
Lý do giảm thọ là vì tế bào bị tấn công mỗi ngày cả chục ngàn lần bởi chất ôxy hóa sản sinh từ hàng ngàn độc chất trong khói thuốc lá, từ phế phẩm của rối loạn biến dưỡng chất béo và chất đường, độ cồn của rượu bia, cuộc sống tẩm stress 24/24 giờ… Đó chính là lý do tại sao thầy thuốc coi trọng quan điểm điều trị toàn diện đang tập trung vào hoạt chất sinh học có tác dụng kháng ôxy hóa trong phác đồ điều trị tất cả bệnh thời đại, từ cao huyết áp cho đến trầm uất, thay vì chỉ chữa cháy cầm canh bằng thuốc đặc hiệu.
Đời tuy là bể khổ nhưng cũng không việc gì phải dứt áo ra đi quá sớm. Mặt khác, nếu kéo thêm được chục năm nhưng trên ghế xe lăn hay giường bệnh thì đời khi đó “đích thực trầm luân”!
Bình luận (0)