Hỏi: Tôi chữa bệnh tăng tiểu cầu tiên phát được 4 năm nay (lần đầu tiên phát hiện là gần 1,4 triệu tiểu cầu, hiện ở lần khám gần đây nhất (tháng trước) là gần 900.000 tiểu cầu. Tôi vẫn đang uống thuốc theo toa của bác sĩ. Vậy tôi có nên tiêm vắc-xin Covid-19 không?
Trả lời: Bệnh tăng tiểu cầu tiên phát không phải là chống chỉ định của tiêm vắc-xin Covid-19, bạn có thể tiêm vắc-xin bình thường và yên tâm tiếp tục uống thuốc trị bệnh mà bác sĩ đã kê.
Tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP HCM (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI YẾN
Hỏi: Tôi có tiền sử dị ứng với quinolon và bactrim. Mỗi khi dị ứng với 2 loại trên thì sưng vùng mặt, môi, cơ thể và bị khó thở. Vậy tiêm vắc-xin Covid-19 có sao không?
Trả lời: Chống chỉ định tuyệt đối của tiêm vắc-xin chỉ khi nào tác nhân gây dị ứng nằm trong thành phần cấu tạo của vắc-xin. Trong trường hợp của bạn, do quinolon và bactrim không có trong thành phần cấu tạo của vắc-xin Covid-19 nên bạn vẫn tiêm được vắc-xin Covid-19.
Với tiền sử dị ứng có biểu hiện khó thở, bạn nên tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn. Khuyến cáo này là chung cho tất cả các tác nhân gây dị ứng chứ không riêng quinolon và bactrim như trường hợp của bạn.
Hỏi: Tôi đang uống thuốc điều trị rối loạn tiền đình gồm Mifexton, Remem, Hugomax, Paratramol. Vậy có chống chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 không?
Trả lời: Các loại thuốc bạn đang sử dụng (uống, tiêm truyền…) đều không liên quan đến chống chỉ định tiêm vắc-xin. Các thuốc điều trị rối loạn tiền đình nói chung cũng như các thuốc bạn nêu nói riêng đều không có trong thành phần cấu tạo của vắc-xin Covid-19, vì vậy bạn có thể tiêm vắc-xin Covid-19 như bình thường.
Bình luận (0)