Trước diễn biến bất thường của dịch sốt xuất huyết (SXH) chiều 24-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì cuộc họp trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP HCM đề nghị tăng cường công tác phòng chống dịch SXH.
Muỗi sốt xuất huyết thường đốt và truyền bệnh vào thời gian buổi sáng
Bộ trưởng Y tế cho biết muỗi truyền bệnh SXH thường tấn công người vào buổi sáng, khoảng 8- 10 giờ, do đó vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh và tiêu diệt mầm bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 17 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong đều gia tăng bất thường. Kết qủa phân tích lâm sàng cho thấy lứa tuổi mắc bệnh SXH chủ yếu từ 15 đến 35 tuổi.
Bệnh nhân SXH đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Theo đánh giá của Bộ Y tế, nguyên nhân khiến dịch SXH tăng cao là do thời tiết thay đổi, mùa hè đến sớm ở miền Bắc và mùa mưa đến sớm ở miền Nam. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến mầm bệnh phát triển mạnh.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, cho biết ngoài chủng SXH thường gặp là D1 và D4 thì năm 2017 số ca mắc SXH do chủng D2 cũng gia tăng. Mặc dù ngay từ đầu năm đã tăng cường phòng chống dịch nhưng số mắc vẫn tăng cao. Nguyên nhân là do thời tiết thay đổi, xen kẽ mùa khô có những đợt mưa khiến muỗi phát triển mạnh mẽ. "Nếu như trước đây tại các tỉnh miền Nam số mắc SXH chủ yếu là trẻ nay thì nay ở nhiều địa phương, số mắc là người lớn gia tăng, thậm chí chiếm tới 50% số ca mắc. Riêng TP HCM hiện đã ghi nhận 4 ca tử vong do SXH"- ông Lân cho biết.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong tuần qua (từ ngày 17-7 đến 23-7), Hà Nội ghi nhận gần 1.400 trường hợp mắc SXH. Đã có thêm 2 trường hợp tử vong trong tuần qua, nâng tổng số tử vong ở Hà Nội do dịch bệnh này lên 3 trường hợp. Hai trường hợp tử vong trong tuần qua đều là bệnh nhân nam.
Bệnh nhân T.V.C (51 tuổi, lao động tự do, ở phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân mắc SXH ngày 8-7, nhập viện Vinmec ngày 10-7 và được chuyển BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12-7. Bệnh nhân được chuẩn đoán xuất huyết não/SXH Dengue nặng. Kết quả xét nghiệm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là PCR Dengue âm tính, Mac Elisa Dengue IgM âm tính. Người bệnh xin ra viện vào chiều 13-7 và mất vào lúc 23 giờ đêm cùng ngày.
Trường hợp thứ hai là T.N.H (54 tuổi, lao động tự do, ở phố Trương Định, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Người bệnh cũng có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân H. mắc SXH ngày 23-6 và được đưa vào BV Nhiệt đới Trung ương ngày 28-6 với chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn/viêm phổi/ SXH nặng. Bệnh nhân được gia đình xin ra viện trưa ngày 13-7 và tử vong vào lúc 12 giờ cùng ngày.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dự báo trong những tháng cuối năm 2017, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp do hiện đang bước vào mùa dịch, cùng đó mùa nóng kéo dài nhuận 2 tháng 6 âm lịch cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng. Cũng theo ông Phu, từ đầu năm 2017 đến nay, TP HCM đã xử phạt 75 cơ sở, hộ gia đình không hợp tác trong phòng chống dịch SXH.
Bình luận (0)