Gan có nhiệm vụ sản xuất ra cholesterol “vừa đủ xài” cho cơ thể. Cholesterol cũng có thể đi vào cơ thể qua những loại thực phẩm như trứng, thịt và các sản phẩm bơ sữa. Tuy nhiên, nếu cơ thể có quá nhiều cholesterol thì cơ thể sẽ không còn khỏe.
Nhiều loại thuốc trị cholesterol
Nếu làm giảm được lượng cholesterol “xấu” (LDL) thì chúng ta có thể giảm được rủi ro gặp phải những trường hợp nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Sự thay đổi nếp sống có thể giúp cải thiện hàm lượng cholesterol, chẳng hạn không hút thuốc lá; tập thể dục thể thao đều đặn; hạn chế những bữa ăn nhiều dầu mỡ; hạn chế rượu, bia; ăn nhiều trái cây và rau cải... Tuy nhiên, nếu những thay đổi lối sống này vẫn không “xi-nhê” gì trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm thì lúc này phải cần đến sự ra tay của các “hiệp sĩ”. Đó là những loại thuốc hạ cholesterol.
Có rất nhiều dạng dược phẩm dùng để trị chứng cholesterol cao. Bác sĩ sẽ là người quyết định xem bạn thích hợp với dạng thuốc nào. Bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân một hoặc kết hợp trong số các loại thuốc dưới đây bởi sự kết hợp thuốc sẽ giúp gia tăng hiệu quả trị liệu. Dưới đây là những loại thuốc đã được “khẳng định tên tuổi”:
- Statins: Có tác dụng làm chậm lại tiến trình sản xuất cholesterol cho cơ thể. Những thuốc thuộc nhóm này cũng có tác dụng “dọn dẹp” những mảng cholesterol đeo bám ở thành mạch máu.
- Resins: Resins “hành hiệp” bằng cách “bắt giữ” các axít mật. Axít mật đóng vai trò quan trọng trong sự tiêu hóa, được tổng hợp từ gan và nhờ sự nhúng tay của cholesterol. Khi axít mật bị “niêm phong” thì dĩ nhiên cơ thể sẽ bị thiếu. Để bù vào sự thiếu hụt này, cơ thể sẽ dùng cholesterol để tổng hợp tạo ra thêm axít mật để đáp ứng nhu cầu cho hệ tiêu hóa. Cứ như vậy, nguồn cholesterol sẽ bị cạn kiệt dần. Cơ chế này sẽ giúp làm hạ hàm lượng LDL.
- Thuốc chặn cholesterol: Thuốc này có tác dụng “vịn” cholesterol lại, ngăn cản chúng hấp thu qua thành ruột. Thông thường, các thầy thuốc thường kết hợp với nhóm thuốc statin.
- Fibrates: Thuốc này làm hạ cholesterol bằng cách làm giảm hàm lượng của các triglyceride trong cơ thể, đồng thời làm gia tăng hàm lượng chất cholesterol “tốt” (HDL).
- Niacin: Đây là vitamin B3. Khi được dùng liều cao, vitamin B3 có thể làm hạ hàm lượng triglyceride và LDL, đồng thời làm tăng lượng HDL. Dù đây là một loại vitamin không cần kê toa nhưng cần phải được chỉ định của bác sĩ vì nếu dùng liều thấp thì không có tác dụng, còn dùng liều cao hoặc không đúng cách có thể chuốc họa cho gan.
Tương tác thuốc hại cơ thể
Bất kỳ loại dược phẩm nào cũng đều có ít nhiều tác dụng phụ. Cho dù tác dụng phụ của các thuốc hạ cholesterol không đến nỗi nào nhưng bệnh nhân cũng cần quan tâm đến những hiện tượng như: tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, đầy hơi, ói mửa, đau đầu, xây xẩm, buồn ngủ, đau cơ, yếu cơ, da nóng đỏ, rối loạn giấc ngủ...
Nếu sử dụng 2 hoặc nhiều hơn các loại thuốc cùng một lúc thì cách thức mà cơ thể “xử lý” từng loại thuốc sẽ bị thay đổi và có thể làm tăng tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả trị liệu. Đây gọi là tương tác thuốc. Cho dù là vitamin hay dược thảo cũng sẽ xảy ra sự tương tác thuốc. Một vài loại thức ăn và nước uống cũng có thể làm giảm hiệu lực của thuốc. Bất cứ tương tác thuốc dạng nào cũng gây nguy hiểm cho cơ thể, vì vậy cần liệt kê cho thầy thuốc tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng trước khi bác sĩ kê cho một loại thuốc hạ cholesterol.
Điều quan trọng để hàm lượng cholesterol lấy lại phong độ là dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nên hỏi thầy thuốc về những loại thức ăn, nước uống cần tránh. Dù bạn đang sử dụng thuốc hạ cholesterol thì điều quan trọng nhất cần phải làm là xây dựng một nếp sống lành mạnh, tích cực vận động thân thể, sẽ làm cho việc sử dụng thuốc hạ cholesterol đạt được hiệu quả cao hơn.
Bình luận (0)