Tiến sĩ (TS) Trì Thị Minh Thúy, giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP HCM), cho biết: Khi trải qua sang chấn tâm lý, người bệnh có khuynh hướng rút lui khỏi những hoạt động xã hội và không muốn gặp gỡ bạn bè. Suy nghĩ này là sai lầm, cần phải làm ngược lại, tăng cường kết nối với người khác để giúp lấy lại năng lượng, kích hoạt hệ miễn dịch, giúp mau hồi phục tinh thần.
Gia đình là quan trọng
Theo các chuyên gia tâm lý, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tâm lý của người mắc bệnh và cả người không mắc bệnh, tùy vào "sức đề kháng tâm lý" của mỗi người sẽ quyết định thời gian kết thúc cơn khủng hoảng nhanh hay chậm. Tuy nhiên, việc chủ động chuẩn bị và xây dựng cách ứng phó với khủng hoảng là điều hết sức cần thiết.
Bệnh nhân mắc Covid-19 đến khám phổi sau khi khỏi bệnh do khó thở, tức ngực kéo dài
Gia đình là yếu tố quan trọng giúp người bị sang chấn vượt qua khủng hoảng. Với những trường hợp đã mắc và khỏi Covid-19, gia đình cần quan tâm, yêu thương và ở bên cạnh chia sẻ, động viên người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng cần chủ động và mở rộng việc kết nối với các mối quan hệ xung quanh, kết nối với bạn bè.
TS Trì Thị Minh Thúy cho rằng người mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh phải đối mặt các khủng hoảng tâm lý của rối loạn căng thẳng hậu sang chấn tâm lý (PTSD) như: gặp ác mộng, có những hồi tưởng và ký ức khó chịu, dễ giật mình, dễ bị kích động; hoặc tâm trạng tiêu cực kéo dài như sợ hãi, nghi ngờ, xấu hổ và né tránh những gì liên quan đến bệnh viện.
Không ít người không mắc Covid-19 nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch như: mất việc làm, mất người thân, cuộc sống bấp bênh, cách ly xã hội, cô lập, căng thẳng trong tương quan vợ chồng, áp lực trong việc chăm sóc con cái..., từ đó có thể có các triệu chứng lo âu, trầm buồn, căng thẳng, tức giận, chán nản, cảm thấy bất lực, có ý định tự sát...
Theo TS Thúy, mỗi người nên dành khoảng 15-30 phút trong ngày để lắng nghe những gì đang diễn ra bên trong mình, nhất là khi thấy mình có những cảm xúc khó chịu hoặc không ổn. Đừng chối bỏ hay đè nén, hãy đón nhận cảm xúc tiêu cực và gọi tên chúng, điều này sẽ giúp cho tiến trình hồi phục nhanh hơn. Mọi người hãy kiên nhẫn và cho phép tiến trình chữa lành được diễn ra cách tiệm tiến. Đừng làm áp lực với bản thân phải mau chóng hồi phục.
Giá trị của bản thân
ThS Nguyễn Thị Thanh Tùng, giảng viên Khoa Công tác xã hội Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP HCM), cho biết sự rối loạn lo lâu, trầm cảm trong thời gian dài của nhiều người trong dịch, theo nhiều nhà khoa học, là nguyên nhân gây ra vấn đề loạn thần (tâm thần phân liệt, loạn thần cấp). Tình trạng căng thẳng kéo dài đã thúc đẩy sự tiêu hao của hormone serotonin (chất dẫn truyền thần kinh) dẫn đến tình trạng loạn thần.
Với những người may mắn không mắc bệnh, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng là liệu pháp để giúp họ an tâm khi sống trong đại dịch. Chăm sóc sức khỏe thể chất thật tốt để tăng cường sức đề kháng cũng là cách để giúp những người bị PTSD tăng cường về sức khỏe tinh thần.
"Tránh tiếp xúc với các tin tức độc hại, tin xấu về Covid-19. Tập luyện thể dục thể thao phù hợp với sức khỏe. Tập yoga hoặc thiền hay chánh niệm cũng là phương pháp hữu hiệu. Tránh xa rượu, bia và chất kích thích. Tạo các mối quan hệ với những người thân trong gia đình, bạn bè hay các tổ chức, cá nhân... có thể hỗ trợ mình trong những trường hợp cần thiết. Tìm các thú vui giải trí, tiêu khiển thích hợp với bản thân... là những cách giúp người bị PTSD giảm thiểu những lo âu, căng thẳng về sức khỏe" - ThS Thanh Tùng gợi ý.
ThS Thanh Tùng tư vấn thêm: Khi trải qua sự kiện đau thương như đại dịch Covid-19, nhiều người thấy mình không thể kiểm soát được mọi thứ, họ dễ có cảm giác bất lực. Để có thể vượt qua cảm giác này nên có những hành động tích cực và cụ thể như: giúp người khó khăn hơn mình, đi hiến máu nhân đạo, đóng góp vào quỹ từ thiện, thăm hỏi hàng xóm... để cảm nhận được giá trị của bản thân.
Bình luận (0)