Hồng Thanh (33 tuổi; Hà Nội) hỏi: Tôi đang thực hiện chế độ giảm cân với việc bỏ hoàn toàn tinh bột và giảm cả chất đạm trong bữa ăn hằng ngày. Tôi đã duy trì chế độ ăn không tinh bột được khoảng 1 tuần thì thấy cân nặng có giảm. Vậy tôi có nên duy trì phương pháp này để giảm cân hay không?
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, trả lời: Việc tăng và giảm cân phụ thuộc năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao. Năng lượng tiêu hao cho chuyển hóa cơ bản và hoạt động hằng ngày. Khi có cân bằng năng lượng thì cân nặng sẽ ổn định nhưng khi năng lượng hấp thụ vượt quá sẽ dẫn đến tích tụ và tăng cân. Nếu bạn cắt chế độ ăn tinh bột và chất đạm, tức là đầu vào không có mà cơ thể vẫn phải tiêu hao thì chắc chắn sẽ giảm cân nhưng điều này sẽ không tốt cho cơ thể.
Đã có nghiên cứu cho thấy những người sống mà không ăn tinh bột tuổi thọ thấp hơn người ăn có tinh bột. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là protein (chất đạm) chiếm 13%-20%, lipid (chất béo) từ 20%- 25% còn glucid (tinh bột, đường) đạt từ 55%-65%.
Thực tế đã chứng minh rằng nếu thực hiện chế độ ăn không bảo đảm nhu cầu năng lượng hay chế độ giảm cân low carb (chế độ ăn cắt giảm chất bột đường) mà khá nhiều người đang thực hiện thì cơ thể buộc phải huy động protein, mỡ tự thân để bảo đảm năng lượng cho các hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển hóa một phần mỡ thừa sẽ tích lũy trong gan và lâu dần gây tình trạng gan nhiễm mỡ, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Để giảm cân phải bảo đảm năng lượng tiêu hao nhiều hơn năng lượng ăn vào. Cũng cần lưu ý, năng lượng ăn vào tích lũy dẫn đến thừa cân béo phì là chúng ta ăn trong một thời gian rất dài. Người ta đã tính toán, mỗi ngày tích lũy 30 calo cũng dẫn đến thừa cân béo phì, trong khi đó 1 bát cơm cung cấp từ 150-200 calo. Vậy muốn giảm cân hợp lý cần phải có thời gian chứ không thể ép giảm mạnh trong một thời gian ngắn. Việc giảm cân cần kết hợp chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện mới có tác dụng lâu dài.
Bình luận (0)