Ngày 16-8, Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật lấy con vắt trong mũi bé trai 18 tháng tuổi (ngụ TP HCM) sau 1 lần về quê chơi và tắm suối.
Con vắt chui ra từ mũi bé trai. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Khai thác bệnh sử, hai tuần trước, bé về quê nội ở Thái Nguyên chơi và có tắm suối cùng gia đình. Sau đó, bé bị chảy máu mũi rỉ rả nhiều lần trong 10 ngày. Vì nghĩ con bị chảy máu cam bình thường nên gia đình đưa đến bác sĩ tư thăm khám và được cho thuốc viêm mũi xuất huyết nhưng vẫn không giảm.
Con vắt chui ra từ mũi cậu bé (hình trái) và con vắt sau khi được bác sĩ phẫu thuật nội soi gắp ra đã hút no máu (hình phải). (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Cha của bé tiếp tục đưa bé đến một bệnh viện đa khoa trên địa bàn TP HCM kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ đã khuyên đưa bé đến bệnh viện chuyên khoa để lấy dị vật.
Bé được gia đình đưa đến Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM cấp cứu vào tối 14-8 trong tình trạng tỉnh táo, sinh hiệu ổn, mũi phải có dị vật động đậy nằm ở cửa mũi, sau đó chui vào hốc mũi.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết vì bé còn nhỏ, chưa hợp tác tốt nên sẽ khó khăn khi nội soi. Do đó, ekip phải chuyển bé vào phòng phẫu thuật có gây mê để nội soi lấy dị vật. Con vắt được lấy ra đã hút căng máu, vẫn còn động đậy, dài khoảng 4cm. Sau phẫu thuật nội soi, hiện bé đã ổn định, vui vẻ chơi đùa.
Bác sĩ Tuấn cảnh báo, dị vật sống (như con vắt, đỉa) rất nguy hiểm, gây ra biến chứng lâu dài như viêm nhiễm, mất máu… Do đó, việc phát hiện sớm để loại bỏ dị vật sống nhanh chóng rất quan trọng. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần hiểu biết về sự nguy hiểm của các loại dị vật sống và nên đưa bé đi khám ngay khi nghi ngờ có dị vật mũi khiến chảy máu mũi hoặc chảy mũi hôi 1 bên.
Theo bác sĩ Tuấn, vắt thường có trọng lượng 100mg, dài 3-5 cm, có thể hút máu từ 8 đến 10 lần trọng lượng cơ thể. Chúng có giác bám vào lớp niêm mạc mũi, khi hút máu tạo ra chất không đông (hirudin) nên thường không gây đau, rát, khó nhận biết. Thông thường, khi vắt đã hút no máu, người bệnh mới phát hiện có dị vật sống. Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em cần hiểu biết về sự nguy hiểm của các loại dị vật sống. Khi đưa trẻ đi rừng, sông suối, tuyệt đối không để trẻ uống nước từ các nguồn này trực tiếp.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm khi dị vật cư trú trong mũi ở các ngách khe sẽ gây ra tình trạng chảy máu mũi, phù nề, xuất tiết, nghẹt mũi. Dị vật ở thanh quản gây ra tình trạng ho, khó thở. Nếu dị vật bị bỏ quên lâu ngày trong hốc mũi sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu mũi kéo dài và thiếu máu mãn tính
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM từng ghi nhận một số trường hợp dị vật là đỉa, vắt bám ở vùng thanh quản, hoặc kiến và ve chó bám trên tai bệnh nhân.
Bình luận (0)