Sáng 6-11, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết vừa cứu sống thành công bé trai tên H.Đ.H.P. (10 tháng tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận, TPHCM).
Cách đây hơn 1 tuần, bé nhập viện trong tình trạng mê man, tím tái, co gồng vì bị ngạt nước gần 10 phút ở nhà, tưởng chừng không qua khỏi. Tuy nhiên, sau nhiều biện pháp điều trị tích cực, đến nay bé đã tỉnh táo trở lại, biết đòi mẹ bế. Các bác sĩ cho biết sự hồi phục này khá hy hữu và kỳ diệu.
Trước đó, bé P. được mẹ để ngồi chơi trong phòng. Nghĩ con chưa biết đi, người mẹ yên chí để con ngồi chơi và xuống bếp nấu ăn, lát sau lên đã không thấy bé đâu. Chị hốt hoảng chạy ra ngoài tìm, rồi lại chạy vào nhà vệ sinh và phát hiện P. đã ngã vào xô nước sâu đến nửa mét, hai chân chổng ngược lên, vớt ra thì bé đã tím tái, ngưng thở. Chị hốt hoảng quá nên cố ấn bụng để nước trào ra. Một người hàng xóm biết cách sơ cứu đã nhanh chóng ấn tim, thổi ngạt cho bé và nhờ đó đã giúp tim bé đập trở lại. Bé được chuyển đến bệnh viện địa phương rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã phải dùng thuốc chống co giật nặng, cho bé thở máy cùng nhiều biện pháp khác để cố cứu cháu. Bé còn bị viêm phổi hít, có thể nguyên nhân từ việc người mẹ lúc hốt hoảng đã ấn bụng thay vì ngực, khiến dịch dạ dày tràn lên, đi vào đường thở. Cuộc hội chẩn với khoa thần kinh cũng cho thấy bé nghi ngờ bị phù não do thời gian bị ngạt nước quá lâu. Rất may là giờ đây bé đã tỉnh táo nhưng vẫn cần được tái khám và theo dõi chặt chẽ để kiểm tra, tầm soát các di chứng có thể xảy ra.
“Trẻ bị ngạt nước lâu, nhất là qua thời gian vàng 4 phút đầu tiên mà chưa được hồi sinh tim phổi đúng cách sẽ bị thiếu ôxy não, từ đó có thể để lại di chứng về thần kinh vận động, ngôn ngữ, trí thông minh…” – bác sĩ Tiến cảnh báo.
Bác sĩ Tiến cũng cho biết từ trước đến nay ông từng tiếp nhận khá nhiều ca trẻ bị đuối nước không phải ở ao, hồ mà tại… nhà, vì té vào xô nước, bể cá, hòn non bộ… Trong đó, có khá nhiều ca bị sơ cứu sai dẫn đến giảm khả năng cứu sống cũng như nguy cơ để lại di chứng càng cao. Ông cũng cảnh báo rằng trường hợp như bé P. là không hiếm, dù chưa đi được nhưng bé có thể bò và đó là lứa tuổi rất thích khám phá nên khả năng gặp tai nạn khi bị bỏ một mình trong phòng rất cao.
Bình luận (0)