PGS-TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - trả lời: Ở đây cần phân biệt đau ngực và đau thắt ngực. Đau thắt ngực phần lớn là triệu chứng của bệnh động mạch vành. Nhiều bệnh nhân có dấu hiệu đau ngực nhưng sau khi khám thì lại không mắc các bệnh tim mạch.
Đau thắt ngực có 2 loại khác nhau là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định là cơn đau xuất hiện khi gắng sức, trường hợp này là do mạch vành bị hẹp, máu về tim ít nên khi gắng sức, nhu cầu ôxy nhiều lên, trong khi lượng máu vẫn ít nên xuất hiện cơn đau.
Với đau thắt ngực không ổn định là do các mảng xơ vữa gây tắc hoặc hẹp động mạch vành. Cơn đau thắt ngực xuất hiện đột ngột, kể cả khi không gắng sức. Có nhiều yếu tố dẫn đến cơn đau thắt ngực như: gắng sức, thay đổi cảm xúc quá mức (vui, buồn, bực tức...) hoặc bị lạnh đột ngột. Người có các bệnh mạn tính như rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì hoặc tăng huyết áp… sẽ làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim…
Bệnh lý động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt ngực, vì vậy bác cần tới cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám, tư vấn. Để phòng bệnh, người dân nên có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ (đo điện tâm đồ, siêu âm tim, đo huyết áp... ) 6 tháng/lần. Duy trì chế độ tập luyện (đi bộ, đạp xe đạp...) ít nhất 30 phút/ngày.
Bình luận (0)