Ngoài vận động tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh, tập thể dục thể thao còn có thể giúp tăng chiều cao, tăng cơ bắp, đẹp dáng, giảm mỡ...Thay cho những bài tập với các động tác đơn giản trong khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày, sẽ là những bài tập, cách tập khó hơn phù hợp với từng mục đích cụ thể của mỗi người.
Vận động hiệu quả cần dinh dưỡng phù hợp
Để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, cần xác định mục tiêu tập luyện. Chẳng hạn tập luyện với mục tiêu có một sức khỏe toàn diện hay chú trọng đến vóc dáng hình thể. Tập luyện để hỗ trợ chữa bệnh hay với mục đích thư giãn. Có không ít người đam mê với một hoặc một số bộ môn thể dục thể thao nhất định, và họ tìm thấy sự thăng hoa, hưng phấn khi được tập luyện bộ môn mình yêu thích. Khi đó việc tập luyện của họ còn bao hàm cả mục đích thỏa mãn đam mê.
Có 4 hình thức vận động tập luyện thể dục thể thao là: tập luyện sức bền, tập luyện rèn sức mạnh, tập luyện giãn cơ và rèn sự linh hoạt, tập luyện thăng bằng. Tương ứng với mỗi hình thức sẽ có cường độ hoạt động khác nhau, đòi hỏi mức độ sử dụng năng lượng khác nhau. Ví dụ: đối với hình thức tập luyện sức bền, mục tiêu cho hoạt động thể chất là khoảng 150 phút mỗi tuần với cường độ vừa phải, phù hợp thể trạng, lựa chọn các bộ môn như bơi lội, đạp xe, aerobics, đi bộ nhanh…
Dinh dưỡng là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả của việc tập luyện, hoạt động thể chất.
Đối với mỗi mục tiêu, hình thức tập và các bài tập sẽ khác nhau. Theo đó, yêu cầu về thể lực cũng như nhu cầu về dinh dưỡng sẽ khác. Dinh dưỡng thích hợp rất quan trọng, một chế độ ăn uống khoa học với khẩu phần chính xác các nguyên tố vi lượng thiết yếu sẽ giúp chúng ta vận động tích cực, tập luyện hiệu quả.
Khi chế độ dinh dưỡng phù hợp với chế độ tập luyện, sẽ giúp đảm bảo sức khỏe và hiệu quả tập luyện. Nguyên tắc dinh dưỡng với người luyện tập, hoạt động thể chất là: cung cấp đủ lượng chất đạm (protein) cần phải có trong 1 ngày; không để cơ thể thiếu nước; và thiếu vitamin D.
Chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý sẽ khác nhau giữa người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người trưởng thành, giữa người bình thường và người có bệnh mạn tính hoặc người đang phải điều trị bệnh lý nào đó, giữa người tập giảm mỡ và người tập tăng sức bền…
Chế độ dinh dưỡng trước và sau khi tập luyện
Khi hoạt động thể chất, cơ thể sẽ sử dụng và tiêu hao nhiều năng lượng hơn bình thường. Đó là lý do chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng khoa học để chuẩn bị năng lượng cho việc tập luyện cũng như "bù đắp" lại năng lượng đã mất sau khi tập luyện, tránh tình trạng đuối sức khi tập.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ được tính toán dựa vào cường độ hoạt động và cả tần suất hoạt động thể chất của từng người. Nhờ vậy, chúng ta có thể vận động tốt khi tập luyện thể dục, hay chơi 1 môn thể thao nào đó, đồng thời giảm nguy cơ thương tích và bệnh tật.
Dinh dưỡng trước khi tập luyện là điều nhiều người vẫn thường "xem nhẹ", hoặc do hiểu không đúng nên thường bỏ qua dinh dưỡng trước khi tập. Nếu không "nạp năng lượng" đủ trước buổi tập thể dục, hay chơi 1 môn thể thao thì chúng ta sẽ không đảm bảo hiệu quả tập luyện, hay thi đấu.
Trong suốt quá trình tập luyện thể dục, hay chơi 1 môn thể thao cơ thể sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, do đó cần phải bổ sung, bù đắp đủ lượng năng lượng đã mất, tránh để bị suy kiệt dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Bữa ăn sau khi tập luyện và thi đấu đòi hỏi phải có những dưỡng chất đặc biệt giúp người tập có thể phục hồi nhanh chóng năng lượng hao hụt.
Có thể nói, dinh dưỡng là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả của việc tập luyện, hoạt động thể chất. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, lành mạnh, đảm bảo các nhóm chất thiết yếu sẽ giúp chúng ta nâng cao hiệu quả tập luyện đồng thời hoàn thành mục tiêu sức khỏe.
Trong một số trường hợp người có bệnh lý nền, chẳng hạn bệnh tim, bệnh đái tháo đường, thừa cân béo phì muốn tập luyện 1 môn thể thao nào đó, tốt nhất cần xin ý kiến của chuyên gia, của bác sĩ để có những tư vấn chuyên môn chính xác nhất và phù hợp nhất.
Herbalife Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng chuyên mục này
Bình luận (0)