Vừa xuống xe sau chuyến nghỉ dưỡng dịp cuối năm, ông Trần N.V (50 tuổi) được gia đình đưa thẳng đến... bệnh viện (BV). Ông nhức đầu dữ dội, mệt mỏi do tăng huyết áp, chân vừa mỏi vừa bị gout (gút).
Chọn hành trình phù hợp
Bác sĩ (BS) cho biết các vấn đề nói trên là hậu quả của những buổi tiệc liên miên suốt 3 ngày du lịch, ngoài ra do thường ngày ông V. ít vận động nhưng trong chuyến đi chơi lại cố leo hết 300 bậc thang ở các điểm tham quan nên đôi chân quá tải.
Theo BS chuyên khoa II Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, trước mỗi chuyến đi du lịch, có 2 thứ quan trọng cần chuẩn bị: đó là trang phục phù hợp và thuốc men, dụng cụ y tế cần thiết.
Trang phục cần phù hợp với thời tiết, đủ ấm, gọn gàng và dễ vận động, kèm một đôi giày phù hợp nếu hành trình đó đòi hỏi di chuyển qua các địa hình khó đi. Thuốc men bao gồm các thuốc cơ bản như thuốc giảm đau - hạ sốt (ví dụ như các loại có thành phần paracetamol), thuốc trị đau bụng, các thuốc theo toa BS đối với người có bệnh nền, vài dụng cụ sơ cứu cơ bản như băng thun, băng gạc...
"Ngoài ra nên mang theo thuốc trị tăng huyết áp và máy đo huyết áp dễ sử dụng nếu trong đoàn có người trung niên, cao niên, cho dù chưa bị bệnh cao huyết áp. Ở độ tuổi trung niên trở đi, có khi chỉ sau một đêm thức khuya "nhậu", hay chỉ đơn giản là thay đổi thời tiết... là huyết áp sẽ tăng. Ai đã có bệnh về huyết áp hoặc nghi ngờ mình có bệnh thì nên đi BS khám trước khi đi chơi xa" - BS Đỗ Trọng Ánh khuyên.
Trường hợp của các thai phụ cũng đáng lưu ý. Hiện nay, nhiều thai phụ đã mạnh dạn hơn trong những chuyến du lịch nhưng cũng không ít người khổ sở vì bản thân hay gia đình quá lo lắng, không dám đi đâu, thậm chí không dám về quê dịp cuối năm vì sợ đi xa ảnh hưởng đến thai.
BS chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Phó Giám Đốc BV Từ Dũ (TP HCM), cho rằng đi nghỉ với một người bình thường có thể bao gồm du lịch thư giãn đến các chuyến khám phá mạo hiểm. Còn với thai phụ, chỉ nên là một chuyến đi mang tính nghỉ dưỡng, ví dụ đi biển, đi đến một thành phố đẹp nào đó nghỉ ngơi hay về quê thăm người thân.
"Nên hiểu rằng mang thai không phải là một tình trạng bệnh lý. Các chuyến đi thư giãn hoàn toàn có lợi cho thai kỳ bởi giúp thai phụ giảm stress, thoải mái về tâm lý. Chỉ cần lưu ý các điều như sau: tránh các chuyến du lịch mạo hiểm, đòi hỏi sức lực, phải leo trèo hay đi bộ quá xa; chọn phương tiện phù hợp vì thai phụ thường khó chịu hơn người bình thường nếu phải ngồi xe quá lâu; tham khảo các cơ sở y tế ở nơi sẽ đến. Chỉ có một số ít thai phụ không nên đi xa, đó là những người đã vào tháng cuối cùng của thai kỳ, là giai đoạn cơn chuyển dạ có thể xảy ra bất cứ lúc nào" - BS Hải tư vấn.
Đi du lịch cần đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi để phòng dịch Covid-19. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xử lý đúng khi có sự cố
Theo BS Đỗ Trọng Ánh, điều cần thiết trong mỗi chuyến đi là hãy bình tĩnh xử lý khi nhận thấy cơ thể có những điều không ổn. Trong các chuyến du lịch cần nhiều sức lực, cần thay đổi hành trình nếu thấy mình quá mệt mỏi hay bị đau nhức xương khớp. BS Ánh lưu ý: "Các loại thuốc gây tê tại chỗ mà nhiều người mang theo khi tập thể dục, chỉ có tác dụng giảm đau, là để mình đủ sức vượt qua cơn đau để đến được chỗ nghỉ hoặc cơ sở y tế, chứ không phải xịt giảm đau xong là... cố leo núi tiếp. Khi đó chấn thương sẽ càng nặng thêm".
"Cần hiểu rõ việc ứng dụng phương pháp chườm nóng và chườm lạnh, nhiều người vẫn hay lẫn lộn tác dụng của 2 phương pháp này. Chườm lạnh là khi bạn bị sưng viêm, ví dụ như sưng do bong gân, thường gặp nhất là té "lật sơ-mi" hay va chạm vào đâu đó bị sưng. Còn nếu mỏi nhừ vì lỡ đi bộ quá xa, leo núi quá sức, vai mỏi vì đeo balô nặng... thì cần chườm nóng, vì chườm nóng giúp thư giãn các cơ bắp" - BS Ánh thông tin.
BS Đỗ Trọng Ánh cũng lưu ý về quan điểm cho rằng "người trẻ là... đương nhiên khỏe". Những người trẻ nhưng thường ngày ít vận động thì rất dễ bị tình trạng quá sức, đau mỏi, chấn thương trong chuyến du lịch cần vận động nhiều, bởi đơn giản là cơ thể không kịp thích nghi, dù người đó còn trẻ tuổi. Một người trung niên đi bộ 5 km/ngày thì đi 7-8 km khi du lịch cũng không sao nhưng một người trẻ tuổi không tập thể dục hằng ngày thì có khi chỉ đi 4-5 km đã là quá sức.
Thông điệp 5K
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) khuyến cáo hiện nay nguy cơ dịch Covid-19 vẫn luôn thường trực. Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe khi đi chơi dịp cuối năm, tốt nhất người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế và cài đặt ứng dụng Bluezone cảnh báo nếu bạn đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.
Bình luận (0)