Tôi rất lo vì nghe nói thai ngôi mông sẽ sinh khó hoặc phải sinh mổ. Có người bảo có cách tập thể dục, dùng tay nắn cho thai nhi quay đầu từ bên ngoài bụng mẹ. Điều này có thật không? Nếu có thì làm ở đâu? Còn nếu không, xin bác sĩ cho lời khuyên bây giờ tôi phải làm gì? Sinh con ngôi ngược có nguy hiểm và có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé không?
(Trần Thị An, 30 tuổi, quận 10, TP HCM)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM:
Ngôi mông hay còn gọi là ngôi ngược là tình trạng thai nhi nằm dọc và đầu ở phía trên lúc vào chuyển dạ. Ngôi ngược chiếm tỉ lệ 3%-4% trong các cuộc sinh và vẫn có thể sinh thường nhưng dễ có một số tai biến nguy hiểm (vỡ ối sớm, sa dây rốn, sang chấn hoặc mắc kẹt đầu thai sau khi thân mình đã sổ) nên người ta có khuynh hướng xem đây là loại sinh khó và chỉ định sinh mổ cho an toàn.
Bình thường lúc thai còn nhỏ, tư thế thai trong tử cung chưa ổn định, khá tự do trong buồng nước ối (ngôi bất định) hoặc có xu hướng đầu phía trên, mông phía dưới. Trong 3 tháng cuối, thai lớn nhanh, tỉ lệ kích thước phần đầu và mông thay đổi, thai thường có xu hướng quay đầu xuống và thường ra đời theo tư thế này (ngôi đầu). Vì một lý do nào đó khiến thai không quay đầu, ta sẽ gặp ngôi mông như nói trên .
Để thai có thể tự bình chỉnh quay đầu, thai phụ thường được khuyên nên vận động nhẹ, tập đi bộ… Các thủ thuật nắn, đẩy từ bên ngoài (thủ thuật ngoại xoay thai) nhằm mong muốn giúp thai quay đầu thường khó thực hiện, hiệu quả không chắc nhưng lại có thể gây nhiều tai biến cho mẹ và bé như có thể gây nhau bong non, đẻ non, dây rốn xoắn, tắc gây tử vong thai nhi… Hiện nay y khoa không thực hiện ngoại xoay thai.
Bạn nên bình tĩnh, chỉ cần tiếp tục khám theo dõi thai liên tục và nếu thai vẫn không quay đầu thì đi sinh ở các bệnh viện chuyên khoa sản có phòng mổ. Sinh mổ ngày nay khá phổ biến và an toàn hơn nhiều thập niên trước nên bạn không cần lo lắng quá. Em bé đẻ ngôi ngược ra đời vẫn phát triển bình thường như các bé khác .
Bình luận (0)