Theo giải thích của GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, trường hợp của nam thanh niên này là mong muốn điều trị chữa bệnh chứ không phải hiến đầu người hay hiến tạng cho khoa học. Do vậy, luật không cho phép lấy bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của thanh niên này. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, luật pháp cũng chưa có quy định nào về hiến đầu người hoặc ghép thân.
Từ khi có thông tin Việt Nam sẽ nghiên cứu kỹ thuật ghép đầu người, đã có một số người tìm đến trung tâm nêu trên với ý nguyện hiến đầu hay thực hiện kỹ thuật ghép thân xác. Tuy nhiên, các chuyên gia hiến tạng cho rằng đây là kỹ thuật mới, trên thế giới chưa có nước nào thực hiện thành công, còn Việt Nam chỉ mới ở bước nghiên cứu. Điều quan trọng là ở nước ta hiện chưa có trường hợp nào đăng ký hiến thân để ghép đầu.
Dù vậy, cho đến nay, ghép đầu người không còn là chuyện viễn tưởng khi mà năm 2013, ý tưởng về ca phẫu thuật cấy ghép đầu được bác sĩ phẫu thuật thần kinh Sergio Canavero (người Ý) đề xuất. Bác sĩ này đang lên kế hoạch tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới vào tháng 12-2017. Bệnh nhân của ông là Valery Spiridonov, 31 tuổi, bị bệnh teo cơ tủy sống hiếm gặp. Tuy nhiên, với kế hoạch này, nhiều chuyên gia cho rằng ghép đầu người là chuyện không khả thi và không phù hợp về mặt đạo đức.
GS Trịnh Hồng Sơn cho biết bộ não là trung tâm chỉ huy mọi nhận thức, tư duy cũng như điều hành toàn bộ hoạt động của cơ thể con người. Chỉ cần bộ não hoạt động “không bình thường” một chút là con người sẽ không còn là con người nữa. Do cấu trúc và hoạt động của não bộ cực kỳ phức tạp nên đến nay, rất nhiều vấn đề khoa học hiện đại vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu.
Cho rằng chuyện ghép đầu người không phải hoang đường song PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia đầu ngành về ghép tạng ở Việt Nam, nhận định thành công của nó ở mức độ thấp và rất khó khăn vì hiện nay, việc nối tủy sống gần như chưa nơi nào trên thế giới làm được. Theo ông, nối tủy sống vẫn được thực hiện nhưng nối để có chức năng thì không dễ dàng. “Chúng ta ghép gan, tim, thận... vì phẫu thuật viên hiểu rõ chức năng của gan, tim, thận. Nối mạch máu đơn giản nhưng nối thần kinh thì không như vậy” - PGS Quyết nhìn nhận.
Mặt khác, giới chuyên môn cũng đặt câu hỏi não bộ sẽ hoạt động ra sao trong tình trạng luôn bị “phân thân” qua phản ứng loại thải mảnh ghép? Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề khác về tâm linh, xã hội, tôn giáo, pháp luật, diễn tiến tâm sinh lý sau ghép... cũng không thể không đặt ra khi tiến hành những ca ghép đầu thực sự ở người.
Bình luận (0)