Đã bắt đầu lại thói quen tập thể dục ở công viên suốt 1 tháng qua nhưng vợ chồng ông Tr.B.T (55 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) liên tục gặp trục trặc. "Tôi đã bị chấn thương 2 lần, 1 lần giãn dây chằng ở cổ chân, 1 lần bị căng cơ bụng. Vợ tôi thì bị xuống sức nhiều, có lần choáng suýt ngã" - ông T. kể.
Càng vội, càng không khỏe
Trong khi đó, ông Ng.V.Tr (45 tuổi; ngụ quận 3, TP HCM) trong 1 tháng đi làm lại thì bị mất ngủ ban đêm, sáng lờ đờ, năng lực tư duy giảm. Thời gian nghỉ giãn cách, ông Tr. mong đến ngày đi làm. Lúc đi làm, tưởng chỉ mệt mấy ngày vì chưa quen nhưng cảm giác mệt, xuống sức kéo dài vài tuần, đi khám sức khỏe lại không ra bệnh gì.
Tương tự, bà Tr.T.T (50 tuổi, TP HCM) đang chạy bộ bỗng dưng lảo đảo, tay chân run rẩy, trống ngực đập liên hồi. Sợ bà bị đột quỵ, các bạn cùng chạy ở công viên đã đưa đến Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định. Bác sĩ chẩn đoán bà T. bị quá sức kèm say nắng. "Tôi thử theo dõi sức khỏe bằng đồng hồ thì thấy mình dễ bị quá sức thật. Hồi đó tôi tập cardio (dạng bài tập rèn luyện sức khỏe tim mạch) thường xuyên, tim mạch rất tốt, giờ tôi tập bằng 2/3 cường độ, nhịp tim vẫn tăng cao" - bà T. lo lắng.
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, phân tích nếu cho rằng chỉ cần vài tuần cố gắng sẽ có thể lấy lại "phong độ" là không đúng. Bởi trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, mọi người đều có thay đổi lớn về mặt thể chất lẫn tinh thần, nếp sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng... và mọi thứ cần có thời gian để hồi phục. Điều đầu tiên nên làm là xem lại chế độ ăn uống. Nhiều người có thói quen trữ đồ ăn khi nghỉ dịch, mua hoặc chế ra những món ăn chơi có thể thú vị nhưng thiếu lành mạnh, thiếu chất. Đến khi nghĩ đến chuyện lấy lại "phong độ", họ lại bắt đầu ăn kiêng. Điều đó hoàn toàn sai lầm vì muốn tập thể thao phải bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Lời khuyên là hãy ăn lành mạnh, giảm ngọt, giảm béo, tăng cường rau xanh và phải ăn đạm; ăn lượng vừa phải để có sức tập luyện chứ không được ăn kiêng nghiêm ngặt.
Không nên tập nặng mà cần có thời gian thích nghi sau một thời gian gián đoạn tập luyện thể dục thể thao. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Coi chừng stress cộng dồn
Theo BS chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa Tâm thần kinh Phòng khám BV Đại học Y Dược 1, một trong những lý do nhiều người luôn uể oải, thấy mất sức trong công việc, khi tập luyện và cả trong công việc bình thường chính là stress. Suy nghĩ rằng bắt đầu lại sau thời gian nghỉ ngơi là không đúng, vì nghỉ dịch là một khoảng thời gian rất stress, hoàn toàn trái ngược với nghỉ Tết, nghỉ để đi du lịch.
"Thời gian qua, số bệnh nhân rối loạn lo âu gia tăng. Điều này xuất phát từ tâm lý căng thẳng trong dịch bệnh, do kinh tế bị ảnh hưởng, rồi ai trong gia đình cũng căng thẳng dẫn đến bất hòa ngay cả trong nhà, trong khi nghỉ dịch ai cũng phải ở nhà, đối mặt nhau hằng ngày... Cho dù dịch tạm yên ổn thì kinh tế vẫn chưa thể hồi phục, ảnh hưởng của giai đoạn căng thẳng vẫn chưa qua. Chưa kể khi trở lại làm việc, đa số mọi người phải đối diện với khối lượng công việc khổng lồ, làm bù cho thời gian nghỉ, khiến stress càng nặng nề" - BS Trần Minh Khuyên phân tích.
BS Trần Minh Khuyên cho rằng mỗi người hãy tự cho mình một thời gian để thích nghi, đừng cố ép mình vào công việc quá nặng nề bởi điều đó chỉ khiến tăng stress, sức khỏe và khả năng làm việc giảm sút. Nếu những biểu hiện sau xuất hiện liên tục, kéo dài, nên tìm đến BS chuyên khoa tâm thần kinh: rối loạn giấc ngủ, mất năng lượng - mệt mỏi không rõ nguyên nhân, lo lắng thái quá (ví dụ như mỗi lần nghe chuông điện thoại là cảm thấy rối, căng thẳng quá độ), dễ cáu gắt, khả năng tư duy giảm, tim đập nhanh - hồi hộp...
Nên kiểm tra sức khỏe
Các bác sĩ khuyên những ai bị tăng cân, hay cảm thấy dễ mệt, yếu hơn nhiều sau 1-2 tháng nghỉ dịch thì nên đi kiểm tra sức khỏe. Tăng cân nhanh, ăn không lành mạnh có thể khiến các chỉ số đường huyết, huyết áp, lipid máu... bất ổn. Nếu có bệnh mà không biết, lại lao vào ăn kiêng, tập nặng không có phương pháp thì chỉ lợi bất cập hại.
Bình luận (0)