Bạn đọc Thảo Phương (quận Phú Nhuận, TP HCM): Bố mẹ tôi đã trên 80 tuổi, sống chung với em gái tôi. Trước đây, mỗi cuối tuần, chúng tôi tập trung về chơi, nấu những món ăn ngon để cả nhà thưởng thức.
Đợt giãn cách kéo dài, nhiều tháng liền con cháu không về được, nên ngày nào cũng gọi điện về thăm hỏi, nói chuyện này chuyện kia cho ông bà vui.
Gần đây, tôi thấy mẹ tôi ít khi lên mạng xã hội, cũng không muốn đọc tin tức vì bà cho rằng "không có tin gì vui", câu chuyện bà kể cũng ít chuyện cười, nhiều tiếng thở dài hơn. Bố tôi thì than "không biết bao giờ hết giãn cách để gặp con cháu".
Làm sao để có thể giải tỏa giúp họ những căng thẳng, buồn bã và mang đến niềm vui tuổi già khi để bảo đảm an toàn cho bố mẹ, chúng tôi không thể về thăm?
TS Lê Minh Công (Chương trình "Vắc-xin tinh thần" thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) trả lời: Người cao tuổi đang là một cộng đồng dễ tổn thương nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Việc chú ý đến đời sống tinh thần của người cao tuổi là cực kỳ cần thiết. Trên cơ sở các chia sẻ của bạn, tôi nghĩ cha mẹ bạn bắt đầu có những khó khăn về cảm xúc và gia tăng những nhận thức tiêu cực, buồn chán.
Để hỗ trợ người cao tuổi nói chung và cha mẹ của bạn nói riêng, tôi cho rằng gia đình nên duy trì kết nối xã hội thông qua hình thức trực tuyến. Hình thức kết nối này cần phải được tổ chức theo một thói quen cụ thể, ví dụ vào các tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần và có sự đông đảo của con cháu.
Trong các buổi kết nối xã hội này, việc tạo cơ hội để người lớn tuổi trở thành người chủ trì các "nghi lễ" của gia đình như sinh nhật ai đó trong gia đình, ngày mất của ông bà... hoặc họ được kể về những kinh nghiệm quá khứ, được giáo dục con cái... sẽ làm họ gia tăng sự hài lòng và cảm nhận giá trị bản thân.
Con cháu nên thống nhất sự lắng nghe, thấu hiểu các trải nghiệm khó khăn của người lớn, tìm kiếm và thể hiện sự biết ơn của mình sẽ làm người cao tuổi gia tăng cảm nhận tích cực về bản thân.
Ngoài sự kết nối này, chúng ta cũng cần "tìm việc gì đó" cho người lớn tuổi làm như khâu một cái áo, đọc một cuốn sách..., sự "bận rộn" và thấy làm được nhiều việc sẽ giúp người lớn tuổi vui hơn.
Đồng thời, cũng có thể giúp cha mẹ kết nối qua công nghệ với những người bạn của họ để họ có thể chia sẻ, giao tiếp.
Bình luận (0)