TS Lê Minh Công (Chương trình "Vắc-xin tinh thần" thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM): Những biểu hiện ban đầu về cơ thể như mệt mỏi, đau các cơ có thể báo hiệu bạn đang trải qua một giai đoạn kiệt quệ do stress kéo dài. Các biểu hiện ban đầu này nếu không có chiến lược thích ứng thì có thể dẫn tới những nguy cơ về bệnh lý cơ thể và vấn đề tâm thần.
Vì vậy, cùng với việc ăn uống đầy đủ, giấc ngủ tốt..., bạn cần đánh giá lại xem yếu tố nào có thể thúc đẩy khủng hoảng đó ở mình? Lưu ý, các stress này của bạn là do những tình huống kéo dài như thiếu kết nối xã hội, làm việc liên tục và không có sự giải trí… mà không phải do những tình huống cấp tính và cường độ mạnh.
Khi đã đánh giá được các yếu tố nguy cơ gây ra khủng hoảng của bản thân, bạn cần có kế hoạch thay đổi hoặc tìm cách thích ứng với những tình huống đó thông qua các cách thức như: tìm đọc những cuốn sách làm gia tăng suy nghĩ tích cực; tập luyện các bài tập như thiền chánh niệm hay yoga để kiểm soát tốt cảm xúc tiêu cực; tập luyện thể thao; xây dựng kế hoạch hay lịch trình làm việc tại nhà hiệu quả; kết nối với gia đình và bạn bè một cách yêu thương; làm những công việc mình yêu thích...
Triển khai những việc trên một cách hệ thống giúp chúng ta trải nghiệm trở lại cảm xúc tích cực hơn. Bạn nên lưu ý trải nghiệm nhàm chán kéo dài cũng có thể dẫn tới khủng hoảng chứ không phải chỉ các tình huống nguy hiểm.
Bình luận (0)