TS-BS Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, trả lời: Khoảng 70% dân số nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori, viết tắt là HP) trong dạ dày và nó có thể gây tổn thương loét, viêm nhưng không phải tất cả người nhiễm đều bị viêm dạ dày. Vi khuẩn HP có thể nhiễm lại thông qua ăn uống, dùng chung đũa, muỗng… HP không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên bệnh dạ dày nhưng khi có một số triệu chứng như đau đầu, nóng, sốt, buồn nôn,… thì dạ dày đã bị tổn thương và cần được điều trị.
Một số nguyên nhân gây nên bệnh dạ dày: Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường ăn uống; sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ. Một số nguyên nhân bên ngoài (stress, sử dụng rượu bia, thuốc lá…); một số bệnh lý do sự phát triển của xã hội (béo phì, đái tháo đường, bệnh lý về rối loạn mỡ máu dẫn đến tình trạng người bệnh quá cân, quá sức cũng là một yếu tố thuận lợi gây nên tình trạng bệnh lý dạ dày); thói quen ăn uống không điều độ (bỏ bữa, nhịn ăn, khi đói ăn quá nhiều, ăn khuya…).
Để chẩn đoán bệnh dạ dày, ngoài việc dựa vào các biểu hiện: ợ chua, mệt mỏi, kém ăn, chóng mặt, ù tai, nhức đầu… thì có thể sử dụng phương pháp nội soi và chụp X-quang. Hiện nay, kỹ thuật nội soi có nhiều tiến bộ nên phương pháp này được sử dụng rộng rãi hơn; còn chụp X-quang chỉ dùng cho những trường hợp chống chỉ định nội soi.
Cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như: thuốc lá, rượu bia; tránh ăn các thức ăn quá cay, quá nóng và đặc biệt không ăn nhiều chất béo, món chiên xào. Ngoài ra, khi cơ thể có các triệu chứng của bệnh dạ dày nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị ngay để tránh biến chứng xấu hơn.
Bình luận (0)